Đây là thông tin được đề cập trong báo cáo mới nhất về thực trạng sông Thames do Hiệp hội động vật học London (ZSL) thực hiện, đề cập đến những biến chuyển, công tác bảo tồn đối với dòng sông này kể từ những năm 1950 cho đến nay.
Ngoài cá mập, một số loài khác như cá ngựa, cá chình, hải cẩu cũng đang sinh sôi nảy nở ở sông Thames nhờ vào các chiến dịch bảo vệ, nâng cao chất lượng nguồn nước sau khi dòng sông từng bị tuyên bố “chết sinh học” hồi năm 1957.
Theo chuyên gia Alison Debney thuộc ZSL, sông Thames hiện là nơi sinh sống của hơn 115 loài cá, 92 loài chim. Dọc chiều dài 345 km trên sông còn có khoảng gần 600 hecta đầm lầy - môi trường sống hoang dã quan trọng đối với nhiều loài động vật.
Cá mập được cho là đã sử dụng các cửa sông để sinh sản, nuôi dưỡng cá mập con, nhờ vào chất lượng nước được cải thiện, nồng độ oxy bảo đảm. “Các cửa sông cung cấp cho chúng ta nước sạch, bảo vệ khỏi lũ lụt và là một vườn ươm quan trọng cho động vật hoang dã. Báo cáo này đã cho phép chúng ta thực sự xem xét Thames đã đi được bao xa trong hành trình phục hồi", bà Debney nói.
Tuy nhiên, nhiệt độ và mực nước tăng đang đặt ra mối đe dọa ngày càng lớn hơn với các hệ sinh thái trên sông. Mực nước tại Silvertown, ở đông London, đã tăng 4,26mm một năm kể từ năm 1990. Trong khi đó nhiệt độ nước sông Thames tăng trung bình 0,2%/năm.
Nguồn phát thải nitrate cũng đang tạo ra nguy cơ mới. Chất thải công nghiệp và nước thải là nguyên nhân gây ra thực trạng này. Ô nhiễm có thể sẽ được giảm bớt nhờ đường hầm Thames Tideway trị giá 4 tỉ bảng Anh - được gọi là siêu cống mới của London - hoàn thành vào năm 2025. Đường hầm này sẽ thu gom hơn 95% lượng nước thải tràn vào sông từ hệ thống cống được xây dựng từ thời Victoria.