Phát biểu trên đài phát thanh Radio Cusano Campus ngày 3/1, Chủ tịch tổ chức y tế GIMBE Foundation, ông Nino Cartabellotta nói: “Sự gia tăng số ca mắc COVID-19 mới do biến thể Omicron không đi kèm với sự gia tăng số người nhập viện. Tuy nhiên, với tốc độ tăng mạnh số ca mắc mới, Italy vẫn có nguy cơ các bệnh viện bị quá tải". Theo số liệu chính thức của chính phủ, hơn một triệu người đang mắc COVID-19 tại Italy. Ông Cartabellotta cho rằng các biện pháp hiện tại là không đủ để chống lại sự lây lan của đại dịch COVID-19 và người lao động cần làm việc từ xa để hạn chế bớt quá trình lây nhiễm.
Cùng ngày, Thứ trưởng Bộ Y tế Italy Andrea Costa cho biết chính phủ dự kiến ra quy định, khiến người lao động bắt buộc phải có “siêu thẻ xanh” mới được đến nơi làm việc, có tác dụng cấm những người chưa tiêm vaccine phòng COVID-19 đi làm. Phát biểu với báo giới, ông Costa nói: "Việc mở rộng quy định siêu thẻ xanh đến nơi làm việc có thể giúp thuyết phục hơn 5 triệu người chưa tiêm vaccine tại Italy. Liên minh cầm quyền đang tranh luận, nhưng tôi tin rằng Thủ tướng sẽ một lần nữa đạt được sự đồng thuận và quy định siêu thẻ xanh sẽ được mở rộng. Điều này là cần thiết để giải quyết một loạt mâu thuẫn, chẳng hạn như khách vào uống cà phê phải có siêu thẻ xanh, nhưng những người làm việc trong quán cà phê thì không cần".
Siêu thẻ xanh, chứng nhận giấy hoặc số cho thấy một người đã được tiêm vaccine hoặc đã khỏi bệnh trong vòng 6 tháng, là cần thiết để tham gia hầu hết các hoạt động giải trí, xã hội hoặc thể thao tại Italy. Nhưng hiện tại, người lao động chưa tiêm vaccine chỉ cần thẻ xanh, chứng nhận họ có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19 trong vòng 48 giờ, là được đến nơi làm việc. Chính phủ của Thủ tướng Mario Draghi dự kiến sẽ quyết định các biện pháp mới để chống lại sự lây lan của COVID-19 tại một cuộc họp nội các vào ngày 5/1 tới.