Theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, các nhà máy đưa ra mức lương cao hơn để thu hút người lao động từ các tỉnh khác tới làm việc. Tuy nhiên, các nhà phân tích dự báo tình trạng thiếu người lao động có thể kéo dài sang năm sau.
Xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 11 tăng 21,1%. Đây là tốc độ nhanh nhất trong gần ba năm qua và là tháng tăng trưởng thứ sáu liên tiếp. Nhiều nhà xuất khẩu tiếp tục có nhiều việc làm khi các nước áp dụng biện pháp hạn chế để phòng dịch COVID-19.
Trung Quốc tiếp tục bán thiết bị y tế để chống đại dịch và bán hàng điện tử cho những người buộc phải ở nhà phòng dịch.
Tăng trưởng xuất khẩu cho thấy kinh tế Trung Quốc hồi phục mạnh sau giai đoạn đại dịch. Kinh tế tăng 4,9% trong quý thứ ba so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 5,2% trong tháng trước, cùng mức tháng 12/2019.
Tuy nhiên, trong thị trường lao động hạn hẹp, đơn hàng tăng nhanh là con dao hai lưỡi với nhiều chủ nhà máy. Ông Luzon, giám đốc hoạt động tại nhà máy sản xuất thiết bị y tế có đầu tư nước ngoài ở Taicang, tỉnh Giang Tô, nói: “Các nhà máy gần đây mới nhận các đơn hàng đang trả lương cao hơn để tuyển công nhân thời vụ. Các khu công nghiệp ở Taicang và Suzhou gần đó đều ngập quảng cáo tuyển dụng. Các công ty môi giới lao động đòi 300 nhân dân tệ để giới thiệu một người lao động và mức phí vẫn đang tăng”.
Một số chủ nhà máy đã tăng lương lên 22-24 nhân dân tệ/giờ, mặc dù phần lớn doanh nghiệp nhỏ và vưa thích thuê nhân công thời vụ hơn do viễn cảnh kinh tế toàn cầu bấp bênh.
Tin tức về công nhân lành nghề giờ kiếm được tới 10.000 nhân dân tệ/tháng đang lan đi nhanh chóng trong đội quân 290 triệu công nhân ở Trung Quốc. Nhiều người đã thất nghiệp trong phần lớn năm 2020 do nhà máy đóng cửa và phong tỏa. Tuy nhiên, không phải ai cũng mặn mà với mức lương cao.
Hiện nay, tăng lương vẫn là chưa đủ để thu hút lao động ngoại tỉnh trở lại làm việc, đặc biệt là lao động thế hệ trẻ. Li Dian (hơn 20 tuổi ở tỉnh Hồ Nam) nói: “Kiếm 8.000 nhân dân tệ/tháng có vẻ tốt nhưng làm việc thực sự kiệt sức. Áp lực rất lớn khi làm việc 12 giờ/ngày, 6 ngày/tuần mà chỉ được nghỉ nửa tiếng ăn trưa, không được nghỉ trong ca làm”.
Sau khi nghỉ việc tại nhà máy điện tử ở Đông Hoản, Li về quê và kiếm được từ 3.500 đến 5.000 nhân dân tệ/tháng tại nhà máy ở quê.
Liu Ligang, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Citigroup, nhận định thị trường lao động sẽ thắt chặt hơn và có thể có vấn đề tương đối lớn vào năm tới. Ông nói: “Nhiều công nhân ở nhà vì đại dịch… Khi nhiều người trở lại làm việc sau khi kinh tế phục hồi và chính phủ dỡ bỏ quy định cách ly, điều đó có thể giúp giảm tình trạng thiếu hụt lao động”.
Trong khi đó, với chủ nhà máy, tình hình phục hồi toàn cầu không ổn định sau đại dịch vẫn là điều đáng lo ngại. Ông Wang Jie, người điều hành nhà máy sản xuất giày ở Đông Hoản, nói: “Trong tháng 10 và 11, có nhiều đơn hàng mới, nhưng trong tháng 12, chúng tôi đột ngột thấy đơn hàng giảm rõ rệt. Chúng tôi nghe nói đại dịch sẽ tồi tệ hơn ngoài Trung Quốc và chúng tôi thực sự rất sợ. Chúng tôi không thể sống sót nếu bị hủy đơn hàng lần nữa”.
Cuối tháng 2, Wang đã nhận đơn hàng 90.000 đôi giày nhưng 80.000 đôi bị hủy cuối tháng 3 khi đại dịch hoành hành khiến nhiều nước đóng cửa biên giới. Ông Wang vẫn chưa được thanh toán tiền từ hồi mùa hè.
Công ty sản xuất xe đạp và xe máy Shanghai General Sports đã có một năm làm ăn tốt khi doanh thu xe đạp bùng nổ năm nay ở Mỹ - thị trường xuất khẩu chủ yếu. Tuy nhiên, Tổng giám đốc Ge Lei cho biết do thiếu lao động nên công ty phải trì hoãn giao hàng phần lớn năm.
Cùng lúc đó, đồng nhân dân tệ tăng giá và khó đàm phán giá với khách hàng nước ngoài nên doanh nghiệp không có lời lãi lớn. Nhân dân tệ tăng giá đều so với USD năm nay và nhiều nhà kinh tế cho rằng đồng nhân dân tệ có thể còn mạnh hơn.
Ông Ge nói: “Giai đoạn thanh toán của chúng tôi thường là ba tháng. Điều này ổn khi chúng tôi bắt đầu giao hàng. Nhưng khi chúng tôi nhận thanh toán, thì chúng tôi thiệt vì tỷ giá hối đoái”.