Hãng thông tấn AFP (Pháp) ngày 23/12 cho biết ông Li Changming sau đó tham dự khóa đào tạo cơ bản về điện thoại thông minh mở tại thành phố Thành Đô. Đây là chương trình nằm trong kế hoạch của Trung Quốc giúp người về hưu bắt kịp với kinh tế điện tử đang phát triển nhanh chóng.
Ông Li Changming chạm vào màn hình máy tính và nói: “Tôi chẳng hiểu về mọi tính năng nhưng vẫn muốn học hỏi. Chẳng bao giờ là quá già để học cả”. Ông cùng các bạn học tóc muối tiêu ngồi lắng nghe chăm chú người hướng dẫn nói về cách sử dụng một ứng dụng di động phổ biến của Trung Quốc. Để miêu tả về cách đóng một ứng dụng, người hướng dẫn đã sử dụng thuật ngữ dễ hiểu với các học viên lớn tuổi: “Việc đó như là một căn phòng quá chật và các ông bà cần dọn dẹp nó”.
Trung Quốc đang nỗ lực đẩy mạnh tiêu dùng trong nước để đem lại cân bằng cho nền kinh tế vốn dựa nhiều vào sản xuất và đầu tư chính phủ với thương mại điện tử đang trở thành cột trọng tâm.
Ngành thanh toán điện tử đang nở rộ tại Trung Quốc với những cái tên như WeChat Pay và Alipay. Người mua sẽ quét mã QR để mua sản phẩm thay vì dùng tiền mặt. Chính phủ Trung Quốc đang chủ trương để quỹ tiết kiệm của người già nước này đi vào dòng chảy kinh tế, kích thích tăng trưởng.
Đến năm 2025, tại Trung Quốc dự kiến có 300 triệu người hưu trí và công ty nghiên cứu Daxue Consulting ước tính nền kinh tế cao tuổi tại nước này là vào khoảng 4,9 nghìn tỷ nhân dân tệ (750 tỷ USD).
Có tới 98% vùng nông thôn Trung Quốc hiện kết nối với mạng không dây 4G. Trong khi đó, người về hưu Trung Quốc cũng tích cực với việc thích nghi với công nghệ mới. Ngân hàng UBS (Thụy Sĩ) nhận định người tiêu dùng cao tuổi tại Trung Quốc trong năm nay đã bắt kịp được với thế hệ trẻ. Bà Meng Li (61 tuổi) học cùng lớp với ông Li Changming chia sẻ: “Giờ chúng tôi không thể sống thiếu điện thoại di động thông minh. Ban đầu tôi chỉ biết cách gọi điện, nhưng nhờ con gái chỉ dẫn và tham gia lớp học, giờ tôi có thể thanh toán qua điện thoại”.
Trong tháng 11, chính phủ Trung Quốc kêu gọi toàn quốc đẩy mạnh “năng lực sử dụng công nghệ” của người cao tuổi bằng việc tổ chức các khóa đào tạo và phát triển ứng dụng điện thoại thân thiện với người cao tuổi. Điều này đặc biệt cấp thiết trong thời kỳ dịch COVID-19 khiến người tiêu dùng chuyển sang mua sắm trực tuyến.
Sau khi tan lớp học, ông Li Changming đến chợ mua ớt bằng “ví điện tử”. Ông còn thấy phấn khích về việc kiểm tra đánh giá về nhà hàng trước khi ra ngoài ăn, cũng như việc sử dụng ứng dụng bản đồ để tìm đường tới quán.
Đeo kính lão nhìn vào màn hình điện thoại, ông Li Changming bộc bạch: “Có nhiều điều tôi vẫn phải học hỏi. Việc sử dụng ảnh trong điện thoại là mục tiêu 10 năm tới của tôi”.