Thay vào đó, các mẫu thiết kế sử dụng nguyên liệu tái chế và thân thiện với môi trường đang lên ngôi trên khắp các kinh đô thời trang trên thế giới.
Tất cả vì môi trường
Nếu như triết lý của thời trang “mì ăn liền” là đáp ứng gu ăn mặc nhất thời, thì quan niệm về “thời trang bền vững” không chỉ dừng lại ở vòng đời sử dụng sản phẩm. Các nhãn hiệu thời trang ngày nay chỉ được coi là “bền vững” khi sử dụng chất liệu thân thiện với môi trường, giảm thiểu khí CO2 trong quá trình sản xuất, đồng thời phải đảm bảo các yếu tố nhân văn cho người lao động, như lương thưởng xứng đáng và điều kiện làm việc đủ tiêu chuẩn.
Đứng trước lời kêu cứu của thiên nhiên, tại các chuỗi sự kiện thời trang lớn diễn ra ở New York, London, Milan và Paris nhằm giới thiệu xu hướng thời trang mới nhất cho năm 2020, các nhà tạo mẫu hàng đầu thế giới đã thay thế các xa xỉ phẩm gây hại cho môi trường bằng những dòng sản phẩm thân thiện hơn. Đáng chú ý, thương hiệu Benetton tung ra một mẫu áo choàng bằng giấy được nhà thiết kế Jean-Charles de Castelbajac tự tin giới thiệu là đã trải qua nhiều cuộc thử nghiệm để có thể được sử dụng bền bỉ trong năm, dù không thể giặt máy.
Tại tuần lễ thời trang New York tháng 9/2019, nhà thiết kế Gabriela Hearst đã cho ra mắt buổi trình diễn sản phẩm thời trang “các-bon trung tính” đầu tiên, trong đó tái sử dụng mẫu của các bộ sưu tập cũ. Khái niệm “các-bon trung tính” được hiểu là nhà sản xuất phải bù trừ bằng mọi cách để không làm tăng tổng lượng khí các-bon phát thải ra môi trường.
Tại Milan, nhãn hiệu Missoni đã lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng năng lượng Mặt trời trong buổi trình diễn và được tổ chức môi trường Green Carpet Awards khen ngợi là chương trình “tuyệt vời nhất trong thời trang bền vững”. Ngay hôm sau, Kering – công ty mẹ của Gucci - đã cam kết áp dụng quy trình “các-bon trung tính” cho tất cả các nhãn hiệu để giảm 50% lượng khí thải nhà kính vào năm 2025.
"Xanh" mới là "thời thượng"
Cách đây không lâu, nữ diễn viên Emma Watson từng gây ấn tượng khắp các mặt báo và lọt vào danh sách “sao ăn mặc đẹp nhất” khi diện chiếc đầm đen-trắng được dệt hoàn toàn bằng sợi từ chai nhựa tái chế. Đặc biệt hơn, chiếc đầm này là ý tưởng của nhà tạo mẫu Calvin Klein nổi tiếng.
Trong bối cảnh khắp nơi trên thế giới đều cất lên tiếng nói chống biến đổi khí hậu, nhất là khi ngành thời trang ngày càng lộ rõ những tác động xấu lên môi trường, thì không có lý do gì giới thiết kế thời trang, đặc biệt các thương hiệu lớn, lại có thể đứng ngoài cuộc. Họ buộc phải chuyển mình để hướng tới những sản phẩm “xanh” hơn.
Tại Australia, thương hiệu The Great Beyond đã sử dụng các sản phẩm từ cây tre để tạo nên những mẫu quần áo vừa mềm mại vừa bền chắc. Trong khi đó, nhà thiết kế túi xách Matt & Nat của Canada lại ưu tiên sử dụng các vật liệu tái chế như nút chai và cao su.
Từ vài năm nay, nhãn hiệu thể thao Adidas đã nghiên cứu cho ra đời những đôi giày làm bằng sợi tái chế từ rác thải trôi nổi ngoài đại dương. Không muốn tụt hậu, H&M cũng trình làng bộ sưu tập thời trang dạ tiệc “Conscious Exclusive” làm từ sợi sinh học Bionic Yarn – một loại polyester tái chế từ rác thải nhựa.
Không chỉ vật liệu tái chế mới thu hút được sự chú ý của các nhà tạo mẫu yêu môi trường. Vài năm gần đây, một loại vật liệu tái chế mới đã xuất hiện trên sàn trình diễn: rác thải thực phẩm. Từ giày, ví cầm tay đến đầm dạ hội, cộng đồng tạo mẫu khắp thế giới đã khám phá ra các phương pháp tài tình để biến hoa quả, rau củ và thực phẩm bỏ đi trở thành quần áo và đồ trang sức đẹp long lanh.
Nhãn hiệu thời trang Ananas Anam ở Philippines đã tạo ra loại da thân thiện với môi trường mang tên Pinatex bắt nguồn từ thứ lá gai góc và vô giá trị của cây dứa. Mô hình sản xuất Pinatex sử dụng phụ phẩm trực tiếp từ dứa nên không cần đầu tư đất, nước, thuốc trừ sâu hay phân bón trong quá trình canh tác. So với ngành sản xuất da công nghiệp tiêu tốn nhiên liệu, da lá dứa đã tạo được tiếng vang toàn cầu, đồng thời được các thương hiệu như Camper và Puma để mắt tới.
Còn tại Italy, công ty Orange Fiber giành giải khởi nghiệp quốc gia đang nỗ lực chuyển hóa 700.000 tấn rác thải mỗi năm của ngành sản xuất nước cam trên đảo Sicily trở thành một loại sợi mềm mịn dùng để may mặc. Ở Anh, nhà thiết kế Rosalie McMillan cũng đầu tư tâm huyết để tạo ra những mẫu trang sức cao cấp có nguồn gốc từ bã cà phê sử dụng trong các tòa công sở ở London. Bã cà phê được sấy khô, ép thành những chiếc khuyên tai, nhẫn, vòng tay đậm chất cá tính.
Rõ ràng thời trang “xanh” và “bền vững”, mặc dù vẫn chỉ là một thị trường ngách, nhưng đang ngày càng trở nên sôi động. Từ các nhà tạo mẫu nhỏ đến những ông lớn thời trang xa xỉ và giới showbiz ở Hollywood, ngành thời trang đang tạo nên các bước tiến lớn trong nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường trên toàn cầu.