Chính phủ Philippines đang tăng cường giám sát các trang mạng xã hội và tuần tra các khu vực khi phát hiện nhiều kẻ buôn cây đang lùng sục khắp các khu rừng để tìm cây xanh, bao gồm cả những loài có nguy cơ tuyệt chủng, nhằm đáp ứng nhu cầu làm vườn tăng vọt của người Philippines trong bối cảnh bị phong tỏa vì đại dịch COVID-19.
“Những người săn lùng và đào trộm cây xanh bất hợp pháp đang rất hào hứng khi thị trường ngày càng mở rộng và giá cả lại hấp dẫn hơn. Người dân đang có xu hướng mua cây và trồng cây để giải tỏa áp lực trong thời gian phong tỏa”, ông Rogelio Demallete, một chuyên gia sinh thái tại Cục Quản lý Đa dạng Sinh học quốc gia, nói.
Ông Demallete cho biết cây nắp ấm ăn thịt và cây bantigue - loại cây phổ biến dùng để làm cây bonsai - là những loài cây được săn lùng nhiều nhất.
Cục Quản lý Đa dạng Sinh học Philippines cho biết họ đang làm việc với Cục Điều tra Quốc gia để bắt giữ những kẻ trộm cây và buôn bán thực vật bất hợp pháp, đặc biệt là các loài thực vật “dễ bị tổn thương” và “có nguy cơ tuyệt chủng” như Alocasia Zebrina và Alocasia Sanderiana.
Win Marcella, một người có sở thích trồng cây cảnh và đang dành nhiều thời gian chăm sóc khu vườn của mình, cho biết các loài cây thông thường như caladi, cây cao su và dương xỉ đang được bán trong các vườn ươm hợp pháp với giá cao hơn từ 35% đến 40% so với giai đoạn trước khi dịch COVID-19 bùng phát.
Một cây Monstera Deliciosa trưởng thành, hay còn được gọi là cây trầu bà Nam Mỹ, hiện có giá ít nhất 3.000 peso (hơn 1,4 triệu đồng), so với mức giá 800 peso (khoảng 860.000 đồng) trước đây. Những người đam mê trồng cây cảnh khác cũng cho biết nhu cầu mua loài lá trắng quý hiếm Deliciosa Albo cao đến mức chúng được định giá 7.000 peso (tương đương 7,6 triệu đồng)/lá.
Ngay cả khi chính phủ bắt đầu nới lỏng lệnh phong tỏa đã được tái áp đặt tại thủ đô vào tháng trước, 'cơn khát' cây xanh đã khiến một số doanh nhân chuyển sang hoặc làm thêm nghề làm vườn để tồn tại trong đại dịch.
Marvin Braceros đã phải đóng cửa nhà hàng ăn uống cao cấp trong một trung tâm mua sắm ở Manila vào đầu năm nay do không có khách hàng. Trong một không gian nhỏ được chủ trung tâm mua sắm hỗ trợ giúp anh bù lỗ, Braceros bắt đầu bán cây xanh trồng trong nhà. Hiện anh có quầy hàng tại 2 trung tâm thương mại và dự định mở thêm 7 quầy vào tháng 10.
“Tôi rất ngạc nhiên khi nhu cầu mua cây xanh trồng trong nhà tăng đột biến. Tôi nghĩ rằng nó được thúc đẩy với mục đích giảm căng thẳng trong thời gian đại dịch. Tôi không nghĩ đây là một xu hướng nhất thời. Mọi người đang có ý thức sống lành mạnh hơn”, anh Braceros nói.
Nhu cầu chăm sóc cây cảnh trong nhà đã thúc đẩy doanh số bán hàng ở các thành phố khác đang phải đối mặt với tình trạng phong tỏa. Tuy nhiên, xu hướng trồng cây xanh ở Manila, một trong những thành phố đông dân nhất trên thế giới, vẫn nổi trội hơn cả.
Nhu cầu trồng cây tự nhiên cũng đang giúp các nhà bán buôn cây cảnh lâu đời như Bulacan Garden có thể sống sót sau khi bị sụt giảm doanh số từ khách hàng truyền thống. Trong khi doanh số bán sỉ đã giảm hơn một nửa, thì số lượng khách hàng mua lẻ hàng ngày, mua 3 đến 5 cây mỗi loại, đã giúp 2 cửa hàng ở Manila của Bulacan Garden luôn đông đúc.
“Nhiều người rảnh rỗi trong thời gian phong tỏa đang có xu hướng trồng cây để giết thời gian. Khách hàng mua lẻ tuy không thể thay thế số lượng đơn đặt hàng lớn, nhưng họ đang giúp chúng tôi và nhiều người khác có thể tồn tại trong đại dịch”, ông Ricky Santiago, Giám đốc Bulacan Garden cho biết.
Không chỉ tại Manila, xu hướng trồng cây cảnh cũng đã lan rộng sang các vùng ngoại ô xung quanh. Jeffrey Cabida, người điều hành một vườn ươm rộng ở phía nam thủ đô, cho biết phần lớn doanh thu của họ thu được từ việc giao cây cảnh đến Manila với đơn đặt hàng tăng gấp 8 lần so với năm ngoái.
“Nhu cầu mua cây tăng vọt đến nỗi một số cây đã hết hàng. Chúng tôi đã rất ngạc nhiên và băn khoăn vì đây không phải là một mặt hàng tiêu dùng. Cây cảnh không phải là thức ăn”, ông Santiago nói.