Nghị viện châu Âu kêu gọi chống lại các thông tin "đánh lạc hướng dư luận" từ phía Nga. Ảnh: Reuters |
Ngay sau đó, Báo Độc lập (Nga) ngày 24/11 đăng bài cho rằng EU đang tuyên chiến với Nga trong lĩnh vực thông tin khi cố tình đặt Nga ngang hàng với "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng.
Báo Độc lập cho biết các đại biểu của EP đã thông qua một nghị quyết chính thức cáo buộc Điện Kremlin đang tiến hành một chiến dịch tuyên truyền chống EU, đồng thời kêu gọi các nước EU cần có thái độ chống lại điều này. Truyền thông Nga và các trung tâm phân tích thông tin bị cáo buộc tung tin sai sự thật, gây tổn hại các giá trị châu Âu, tương tự như mối hiểm họa từ IS, một tổ chức khủng bố vốn bị cấm tại Nga.
Tờ báo Nga cho rằng điều gây bất bình lớn nhất từ phía Nga, là việc EU không chỉ đơn thuần cáo buộc Kremlin tiến hành tuyên truyền chống EU, mà nghiêm trọng hơn, còn so sánh truyền thông Nga nguy hiểm tương tự IS hoặc "Al Qaeda".
Coi đây là một sự so sánh vô trách nhiệm, Nga nhấn mạnh lập trường trước sau như một, luôn coi mình là đối tác quan trọng của châu Âu trong cuộc chiến chống chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan.
Trong khi đó, Bản kiến nghị được EP thông qua, EU coi các viện xã hội và các phương tiện truyền thông Nga chính là những "đòn bẩy, những thành tố chính thúc đẩy cuộc chiến truyền thông của điện Kremlin với EU". Theo bản kiến nghị này, EP cho rằng các nước EU cần đẩy mạnh hoạt động thông tin tuyên truyền chiến lược để "đối phó với những luồng thông tin đánh lạc hướng" từ Moskva, trong bối cảnh căng thẳng EU - Nga ngày một gia tăng liên quan những bất đồng về cuộc xung đột ở Ukraine.
Các nghị sĩ EP bày tỏ quan ngại sâu sắc về việc Nga mở rộng dần các hoạt động ở châu Âu khi cho rằng các cơ quan truyền thông Nga "phát tán thông tin bịa đặt nhằm duy trì hoặc gia tăng ảnh hưởng của Nga và làm suy yếu, gây chia rẽ EU".
Ngay lập tức Nga đã lên tiếng phản đối động thái của EP. Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng hành động của EP một lần nữa cho thấy cần phải xem lại khái niệm “dân chủ” trong xã hội phương Tây. Bộ Ngoại giao Nga cũng ra tuyên bố phản đối động thái trên của EP, khi tỏ thái độ kỳ thị đối với các cơ quan truyền thông Nga. Ủy viên Bộ Ngoại giao Nga phụ trách vấn đề Nhân quyền Konstantin Dolgov thậm chí còn cho rằng việc thông qua nghị quyết trên của EP là dựa trên "những động cơ cá nhân".
Moskva cũng đe dọa trả đũa về văn kiện mà Nghị viện châu Âu thông qua. Và đích thân Tổng thống Putin cũng đã thông qua một quyết định đặc biệt khen ngợi thành tích của các phương tiện truyền thông Nga.
Sau các động thái trừng phạt kinh tế, liên tục gia hạn lệnh cấm vận, tới nay quan hệ EU – Nga lại leo một nấc thang căng thẳng mới- điều đó không khỏi khiến cho dư luận quốc tế hết sức quan ngại./.