Brazil nỗ lực 'hạ nhiệt' làn sóng biểu tình

Tổng thống Brazil Dilma Rouseff ngày 28/6 cam kết tăng cường đối thoại với tầng lớp thanh niên, lực lượng chính trong cuộc biểu tình đang diễn ra tại quốc gia này. Đây là nỗ lực mới nhất của Chính phủ Brazil nhằm đẩy mạnh đối thoại với các nhóm lợi ích xã hội và trấn an làn sóng biểu tình toàn quốc kéo dài suốt hai tuần qua.

Cảnh sát dùng hơi cay giải tán người biểu tình trước tòa nhà Quốc hội ở Brasilia ngày 20/6/2013. Ảnh: AFP/TTXVN


Tại thủ đô Brasilia, Tổng thống Rouseff và Bộ trưởng Giáo dục Aloizio Mercadante đã có cuộc gặp với đại diện của 25 tổ chức thanh niên, bao gồm các hội sinh viên và công đoàn, cũng như các nhóm hoạt động xã hội về người đồng giới. Không có tuyên bố nào được đưa ra sau cuộc gặp và các cuộc tiếp xúc tiếp theo vẫn chưa có kế hoạch cụ thể. Tuy nhiên văn phòng Tổng thống khẳng định đây là bước đầu cho tiến trình đối thoại dài ngày với giới thanh niên trong nước. đồng thời thông báo Chính phủ ngày 8/7 sẽ khởi động một trang mạng tập trung vào việc thúc đẩy đối thoại thanh niên - chính phủ.

Bên cạnh nỗ lực tăng cuờng đối thoại với các nhóm lợi ích trong xã hội, Tổng thống Rouseff cũng tuyên bố sẽ đẩy mạnh kế hoạch thuê đội ngũ bác sĩ nước ngoài, đặc biệt các bác sĩ từ Cuba, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha, để đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh trong nước.

Tuy nhiên, kế hoạch trên của Chính phủ đã sớm vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ giới bác sĩ trong nước, cho rằng bước đi này của Chính phủ chỉ nhằm che giấu những thất bại trong công tác y tế cộng đồng. Ủy ban Y khoa Liên bang, đại diện cho 400.000 bác sĩ Brazil, cho biết sẽ tổ chức một cuộc đình công vào ngày 3/7 tới để phản đối kế hoạch này.

Theo dữ liệu chính phủ, hiện hệ thống chăm sóc sức khỏe cộng đồng của Brazil, phục vụ khoảng 75% trong số dân 194 triệu người ở quốc gia này, hiện thiếu khoảng 54.000 bác sĩ khám chữa bệnh, tính trung bình là 1,8 bác sĩ cho mỗi 1.000 người dân. Tình hình này đặc biệt nghiêm trọng tại các vùng xa xôi hẻo lánh.

Vấn đề y tế và chăm sóc sức khỏe cộng đồng là một trong những lý do chính làm bùng phát làn sóng biểu tình biểu tình từ ngày 11/6 ở Brazil, vốn ban đầu chỉ nhằm phản đối việc tăng giá xe buýt và xe điện ngầm. Trong hai tuần qua, nhiều cuộc biểu tình với sự tham gia của đông đảo người dân đã nổ ra tại Brazil đòi cải thiện điều kiện sống, phản đối chi phí sinh hoạt đắt đỏ và chi tiêu hoang phí lên tới hàng chục tỉ USD chuẩn bị cho World Cup 2014 và Đại hội thể thao Olympic mùa Hè 2016 sẽ diễn ra ở Brazil.

Mới đây nhất, ngày 28/6, một nhóm các tài xế taxi gần sân bay nội địa Santos Dumont ở thành phố Rio de Janeiro đã biểu tình phản đối những thay đổi trong luật quản lý bằng lái taxi. Trong khi đó, tại bang Sao Paulo, cảnh sát đã phải dùng đến hơi cay để giải tán một đám đông phong tỏa một tuyến đường cao tốc nhiều làn đường.

Hiệp hội các Nhà báo Điều tra Brazil cho biết đã có hơn 50 nhà báo bị thương, tấn công và bắt giữ trong làn sóng biểu tình tại nền kinh tế lớn nhất Mỹ Latinh này. Theo tuyên bố của Hiệp hội, 34 phóng viên là nạn nhân của các hành động đe dọa và gây hấn từ phía cảnh sát, 6 trong số đó bị bắt giữ. Trong khi đó, có 12 phóng viên bị thương do đụng độ với người biểu tình.


TTXVN/Tin tức

Tổng thống Brazil hoãn công du vì biểu tình
Tổng thống Brazil hoãn công du vì biểu tình

Tổng thống Brazil, bà Dilma Rousseff, đã quyết định hoãn chuyến thăm Nhật Bản, dự kiến từ ngày 26 đến 28/6, để đối phó với một loạt các cuộc biểu tình rầm rộ suốt những ngày qua.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN