Theo đó, Lực lượng Quốc gia, cùng với các lực lượng vũ trang và nhân viên bảo vệ môi trường được huy động trước đó, sẽ tham gia các chiến dịch chống lại nạn phá rừng và cháy rừng trong vòng 20 ngày, từ ngày 22/5 đến ngày 10/6. Tuy nhiên, thời gian của nhiệm vụ này có thể sẽ kéo dài tùy thuộc vào diễn biến của tình hình và kết quả thực tế.
Trước đó, Chính phủ Brazil ngày 11/5 đã triển khai 3.800 binh sĩ thuộc cả ba quân chủng lục quân, hải quân và không quân nước này tới vùng Amazon để thực hiện những nhiệm vụ đối phó với nạn chặt phá và đốt rừng. Lực lượng binh sĩ nói trên, với sự hỗ trợ của 11 máy bay, sẽ triển khai các chiến dịch cho đến ngày 11/7.
Cơ quan Nghiên cứu Vũ trụ Quốc gia Brazil (INPE) đưa ra số liệu thống kê cho thấy diện tích rừng Amazon bị tàn phá tại nước này trong 4 tháng đầu năm nay đã lên tới hơn 1.202 km2, tăng 55% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức kỷ lục ghi nhận trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 4 kể từ năm 2016. Chỉ riêng năm 2019, các vụ hỏa hoạn đã làm mất đi 10.123 km2 rừng ở khu vực Amazon của Brazil, lần đầu tiên trong vòng hơn một thập kỷ vượt mốc 10.000 km2 được ghi nhận vào năm 2008.
Với diện tích khoảng 7 triệu km2, Amazon là khu rừng mưa nhiệt đới lớn nhất thế giới và có vai trò sống còn trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu nhờ năng lực hấp thu lượng lớn khí thải carbon dioxide. Được xem là "lá phổi xanh" của hành tinh, Amazon cung cấp khoảng 20% lượng khí oxy trên Trái Đất, là nơi trú ngụ của khoảng 1 triệu thổ dân của 500 bộ lạc cũng như là "ngôi nhà" của hơn 3 triệu loài động, thực vật.
60% diện tích rừng Amazon thuộc lãnh thổ Brazil và diện tích còn lại của cánh rừng này trải dài qua 8 nước và vùng lãnh thổ khác gồm Bolivia, Colombia, Guiana thuộc Pháp, Guyana, Peru, Suriname và Venezuela.