Trong một tuyên bố, SEC cho biết Boeing đã nhất trí nộp phạt 200 triệu USD để giải quyết cáo buộc của SEC cho rằng tập đoàn này "đã vi phạm các quy định chống gian lận". Theo SEC, Boeing đã đặt lợi nhuận lên trên cả tính mạng con người.
Cựu Giám đốc điều hành (CEO) hãng Dennis Muilenburg cũng đồng ý nộp phạt 1 triệu USD để giải quyết cáo buộc tương tự trong vụ kiện dân sự này.
Đây là đòn giáng mới nhất vào Boeing liên quan tới máy bay 737 MAX của hãng sau khi xảy ra 2 vụ tai nạn liên quan tới dòng máy bay này ở Indonesia vào tháng 10/2018 và tại Ethiopia vào tháng 3/2019, khiến tổng cộng gần 350 người thiệt mạng.
Một tháng sau khi xảy ra vụ tai nạn đầu tiên, thông cáo báo chí của Boeing được CEO lúc đó là ông Muilenburg thông qua, đã "nhấn mạnh có chọn lọc một số yếu tố nhất định", ý nói tới lỗi của phi công và công tác bảo dưỡng máy bay sơ sài là những nguyên nhân góp phần gây ra vụ tai nạn này. Trong thông cáo báo chí, hãng Boeing cũng xác nhận về độ an toàn của máy bay 737 MAX mà không tiết lộ rằng hãng đã biết về "trục trặc" trong hệ thống kiểm soát bay (MCAS) và đang thiết kế lại hệ thống này.
Trong thông cáo báo chí, Chủ tịch SEC Gary Gensler nêu rõ: "Vào thời điểm khủng hoảng và thảm họa, điều đặc biệt quan trọng là các công ty và giám đốc điều hành phải cung cấp đầy đủ những thông tin công bằng và xác thực cho thị trường. Tuy nhiên, hãng Boeing và cựu CEO Dennis Muilenburg lại không thực hiện bổn phận cơ bản nhất này. Họ đã lừa dối các nhà đầu tư khi đưa ra đảm bảo về độ an toàn của máy bay 737 MAX mặc dù đã biết về mối lo ngại an toàn nghiêm trọng của dòng máy bay này".
737 MAX, máy bay thương mại bán chạy nhất của Boeing, đã bị đình chỉ hoạt động vào tháng 3/2019 sau khi xảy ra 2 vụ tai nạn thảm khốc liên quan tới dòng máy bay này chỉ trong vòng chưa đầy 1 năm. Trong bối cảnh khủng hoảng gia tăng, ông Muilenburg đã từ chức vào tháng 12/2019. Tháng 11/2020, Cục Hàng không Liên bang Mỹ đã cho phép máy bay Boeing 737 MAX hoạt động trở lại sau 20 tháng đình bay.