Trong một bức thư, Giám đốc điều hành của Boeing Dennis Muilenburg, người đang đối mặt với cuộc khủng hoảng lớn nhất trong nhiệm kỳ của mình, nêu rõ: "Dựa trên các chứng cứ từ vụ tai nạn của chuyến bay 610 thuộc Hãng hàng không Lion Air và dữ liệu mới thu thập từ vụ tai nạn của chuyến bay 302 của Hãng hàng không Ethiopian Airlines, chúng tôi đang có những hành động nhằm đảm bảo tuyệt đối sự an toàn của mẫu 737 MAX". Nội dung bức thư cho biết Boeing hiểu rằng "các sinh mệnh phụ thuộc vào những công việc chúng tôi làm" và lấy làm tiếc về những thách thức đối với các khách hàng của hãng cũng như hoạt động vận tải hàng không do việc máy bay 737 MAX bị cấm hoạt động gây ra.
Theo Giám đốc Muilenburg, một phần mềm cập nhật - vốn được Boeing đưa vào mẫu 737 MAX sau vụ tai nạn máy bay của Lion Air hồi tháng 10/2018, sẽ sớm được công bố. Boeing cũng đang hợp tác đầy đủ với Cơ quan Hàng không dân dụng Liên bang Mỹ (FAA), Bộ Giao thông và Cơ quan An toàn giao thông quốc gia Mỹ về các vấn đề liên quan đến hai vụ tai nạn của Lion Air (Indonesia) và Ethiopian Airlines.
Hãng chế tạo máy bay Boeing lớn nhất thế giới đang chịu nhiều sức ép sau khi các nhà điều tra vụ tai nạn máy bay Boeing 737 MAX ở Ethiopia đã phát hiện những điểm tương đồng về "góc tấn" trong dữ liệu tại buồng lái với dữ liệu từ vụ rơi máy bay của hãng hàng không Lion Air. Cả hai máy bay này đều bị rơi trong vòng vài phút sau khi cất cánh và phi công thông báo máy bay gặp trục trặc.
Cùng ngày, Bộ trưởng Giao thông Canada Marc Garneau cho biết bộ này đang xem xét lại giấy chứng nhận an toàn đã cấp cho 737 MAX sau khi FAA bị điều tra về việc cấp giấy phép chứng nhận sử dụng dòng máy bay này.
Phát biểu với báo giới, Bộ trưởng Garneau cho biết Bộ Giao thông Canada có thể sẽ không đưa ra bất kỳ hành động hay sự thay đổi nào, nhưng ông nghĩ rằng sẽ rất sáng suốt và là một "ý kiến hay" nếu xem xét lại việc chứng nhận sự an toàn của máy bay 737 MAX 8, vốn đã bị cấm hoạt động trên toàn thế giới do lo ngại vấn đề an toàn sau vụ rơi máy bay ở Ethiopia khiến 157 người thiệt mạng. Tuy nhiên, Bộ Giao thông Canada sẽ thực hiện một quy trình cấp giấy chứng nhận an toàn riêng về phần mềm cập nhật mà Boeing dự kiến công bố trong vài tuần tới ngay cả khi phần mềm này đã được FAA xác nhận là an toàn.
Canada đã chấp nhận giấy chứng nhận an toàn đối với dòng máy bay MAX mà FAA cấp hồi tháng 3/2017. Theo thỏa thuận giữa hai bên, những giấy chứng nhận an toàn được Mỹ cấp phép là được chấp nhận ở Canada và ngược lại.
Trước đó, tờ Wall Street Journal của Mỹ đưa tin Bộ Giao thông Mỹ đang tiến hành điều tra quy trình cấp phép của FAA. Cuộc điều tra tập trung vào đánh giá liệu FAA có tuân theo các tiêu chuẩn và phân tích kỹ thuật phù hợp trong quá trình chứng nhận hệ thống đặc tính truyền động tăng cường (MCAS) hay không. Một bồi thẩm đoàn ở Washington đã triệu tập ít nhất một người có liên quan đến việc phát triển dòng máy bay này.
Trong khi đó, tờ Seattle Times cho biết FAA đã ủy quyền một phần quy trình cấp phép máy bay, trong đó bao gồm phần đánh giá với MCAS, cho các kỹ sư của Boeing. Seattle là nơi đặt địa điểm chế tạo các máy bay của Boeing. Báo này còn cho rằng những phân tích an toàn đầu tiên được Boeing gửi tới FAA có chứa nội dung nêu rõ "một số thiếu sót cơ bản".
Từ năm 2009, do áp lực cắt giảm ngân sách hoạt động, FAA đã ủy quyền một số giai đoạn trong quy trình cấp phép cho các nhà sản xuất máy bay hoặc cho các chuyên viên bên ngoài. FAA cũng bảo vệ cơ chế ủy quyền này và khẳng định rằng 737 MAX đã trải qua nhiều cuộc kiểm tra và đánh giá kỹ càng cùng với sự tham vấn các cơ quan hàng không khác trước khi được cấp phép