Trong ngày 20/6, 17 trong số 20 Bộ trưởng Y tế của G20 đã nhất trí về các nguyên tắc để hài hòa các tiêu chuẩn về phòng dịch trên toàn cầu, qua đó tạo điều kiện cho việc di chuyển xuyên biên giới. Theo một nguồn thạo tin, 3 quốc gia không bày tỏ ý kiến liên quan vấn đề này là Argentina, Brazil và Trung Quốc.
Bộ trưởng Y tế Indonesia - ông Budi Gunadi Sadikin cho biết trong trường hợp xảy ra một cuộc khủng hoảng y tế, người dân và hàng hóa sẽ bị giới hạn di chuyển, theo đó nền kinh tế cũng sẽ "đứng im". Ông nêu rõ: "Khủng hoảng y tế sau đó trở thành khủng hoảng kinh tế, khủng hoảng kinh tế lại trở thành khủng hoảng xã hội và khủng hoảng xã hội biến thành khủng hoảng chính trị".
Hiện các chuyên gia đang phát triển một hệ thống áp dụng chung cho toàn cầu về việc đọc mã QR tích hợp chứng nhận đã tiêm vaccine ngừa bệnh và các thông tin liên quan khác. Dự kiến các nhà lãnh đạo G20 sẽ thông qua hệ thống này trong hội nghị thượng đỉnh của nhóm diễn ra vào tháng 11 tới. Ban đầu, hệ thống này được lên kế hoạch chỉ dành riêng cho các nước thành viên G20, nhưng sau đó sẽ được mở rộng cho tất cả các nước trên thế giới.
Các Bộ trưởng Y tế G20 cũng đã nhất trí thành lập một quỹ tài chính trung gian và sẽ thảo luận chi tiết về vấn đề này với các bộ trưởng tài chính của nhóm trong ngày 21/6.
Bộ trưởng Sadikin kỳ vọng rằng quỹ này có thể đạt tổng trị giá 10,5 tỷ USD để các quốc gia có thu nhập thấp hơn đến trung bình có thể mua vaccine, thuốc, bộ dụng cụ xét nghiệm và thiết bị y tế. Hiện khoảng 1,2 tỷ USD đã được Đức, Indonesia, Singapore, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), cũng như tổ chức từ thiện Wellcome Trust có trụ sở tại London (Anh) cam kết đóng góp.
Các vấn đề sẽ được thảo luận trong các cuộc họp của G20 cũng bao gồm việc chia sẻ dữ liệu toàn cầu để xác định các mầm bệnh, vi khuẩn và ký sinh trùng có khả năng gây ra đại dịch trong tương lai; nỗ lực mở rộng các trung tâm nghiên cứu và sản xuất trên toàn cầu để ngăn chặn, chuẩn bị và ứng phó với đại dịch.