Đề cập đến nguy cơ suy thoái, bà Janet Yellen thừa nhận có nguy cơ này, song bà không cho rằng đây là yếu tố sẽ ảnh hưởng đến lạm phát. Theo bà, tăng trưởng kinh tế đang chững lại, sức ép lạm phát đang được tháo gỡ, và bà hi vọng thị trường lao động vẫn lành mạnh.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ hi vọng việc tăng chỉ số lạm phát trong năm nay chỉ trong ngắn hạn, và chính phủ Mỹ đã rút ra được nhiều bài học về việc cần phải kiềm chế lạm phát sau một đợt tăng giá, giống như những gì đã từng diễn ra vào những năm 1970.
Báo cáo do Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 10/11 cho thấy giá của những nhóm hàng hóa và dịch vụ chủ chốt như giá thuê nhà đều tăng ít hơn dự báo. Đặc biệt, giá ô tô đã qua sử dụng - một nhân tố khiến lạm phát tăng mạnh trong đại dịch COVID-19 - giảm 2,4%, đánh dấu tháng giảm thứ 4 liên tiếp. Giá vé máy bay, dịch vụ y tế và hàng may mặc đều giảm.
Lạm phát toàn phần tại nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn cao so với tiêu chuẩn lịch sử, với mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) so với cùng kỳ năm ngoái là 7,7%, nhưng lạm phát lõi (không tính đến hai nhóm mặt hàng có biến động lớn là thực phẩm và năng lượng) đã giảm một nửa so với tháng trước. CPI lõi tháng 10 chỉ tăng 0,3% so với tháng 9, từ chỗ tăng 0,6% trong tháng 9 so với tháng 8.
Một số nhà phân tích nói rằng đây là khởi đầu cho giai đoạn lạm phát xuống thang ở Mỹ.