“Đức không thể trợ giúp Ukraine nhiều hơn trong khi các quốc gia khác viện trợ ít hơn”, ông Lindner nhấn mạnh tại sự kiện của Hiệp hội Doanh nghiệp Đông Đức hôm 23/1, kêu gọi các nước Liên minh châu Âu (EU) khác cùng viện trợ cho Ukraine.
Lời kêu gọi của ông Lindner được đưa ra trong bối cảnh dữ liệu của Văn phòng Thống kê Liên bang Đức (Destatis) được công bố vào tuần trước cho thấy nền kinh tế Đức đã suy giảm 0,3% trong năm ngoái, làm tăng nguy cơ suy thoái kinh tế lan rộng ở khu vực đồng euro.
Đất nước này cũng đang bị ảnh hưởng bởi các cuộc biểu tình lớn từ đầu tháng 1, khi nông dân chặn đường và đường cao tốc bằng máy kéo trong một cuộc biểu tình trên toàn quốc. Làn sóng biểu tình nổ ra sau khi Berlin tuyên bố cắt giảm trợ cấp nông nghiệp, không lâu sau khi công bố kế hoạch tăng gần gấp đôi hỗ trợ cho Ukraine vào năm 2024.
Tuần trước, Thủ tướng Olaf Scholz cho biết Đức sẽ chi hơn 7,6 tỷ USD viện trợ quân sự cho Ukraine trong năm nay. Ông cũng kêu gọi các đồng minh trong EU tăng cường hỗ trợ Ukraine, đồng thời cho rằng một số quốc gia thành viên đã quá chặt chẽ trong việc hỗ trợ Ukraine.
Trước đó, Thủ tướng Đức cho biết ông tin tưởng khối này sẽ đồng ý với gói viện trợ trị giá 50 tỷ euro được đề xuất cho Ukraine tại hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp sắp tới vào ngày 1/2.
Theo Viện Kinh tế Thế giới Kiel (IfW), Berlin đã cung cấp cho Kiev gần 23 tỷ USD từ tháng 2/2022 đến tháng 11/2023, đưa Đức trở thành nước viện trợ lớn thứ hai, chỉ sau Mỹ.
Tuần trước, Washington xác nhận tạm dừng viện trợ Ukraine sau nhiều tuần tranh cãi chính trị giữa đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ tại Quốc hội.
Cuối năm ngoái, Chính quyền Tổng thống Biden đã yêu cầu các đảng “bật đèn xanh” cho số vũ khí và thiết bị quân sự trị giá hơn 60 tỷ USD viện trợ cho Kiev. Tuy nhiên, đảng Cộng hòa đã chặn gói này, yêu cầu Tổng thống Biden và đảng Dân chủ trước tiên phải giải quyết các vấn đề trong nước và đồng ý với kế hoạch thắt chặt an ninh ở biên giới Mỹ - Mexico.
Tuyên bố mới nhất của Bộ trưởng Tài chính Lindner tương tự với lời cảnh báo của Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius. Tuần trước, ông Pistorius cho rằng việc viện trợ quá nhiều vũ khí cho Kiev sẽ làm suy yếu lực lượng của Berlin. Vị quan chức này nhấn mạnh Berlin cũng phải để ý đến khả năng phòng thủ của chính mình, không thể dốc hết mình cho Ukraine như một số người đang yêu cầu. Ông cảnh báo: “Nếu không, chúng ta sẽ không thể tự vệ”.
Kể từ khi cuộc phản công mùa hè của Kiev thất bại mà không thu được lợi ích gì đáng kể, thậm chí bị tổn thất nặng nề, các quan chức hàng đầu Ukraine ngày càng gây áp lực để các nước phương Tây ủng hộ quốc gia này cung cấp thêm vũ khí.
Trong khi đó, Nga liên tục chỉ trích các chuyến hàng vũ khí của phương Tây tới Ukraine, cho rằng những chuyến hàng này kéo dài cuộc đổ máu một cách không cần thiết mà không làm thay đổi kết quả của cuộc xung đột.