Theo “kịch bản huấn luyện” của Bộ Quốc phòng Đức, vào ngày X, Tổng Tư lệnh NATO sẽ ra lệnh điều động 300.000 binh sĩ Đức. Theo tờ Bild, tình trạng leo thang được cho là có thể bắt đầu sớm nhất vào tháng 2 khi Nga bắt đầu đẩy mạnh tấn công nhằm vào các vị trí của Lực lượng Vũ trang Ukraine. Đến tháng 6, Nga sẽ buộc quân đội Kiev phải rút lui.
Không đưa ra bất kỳ chi tiết cụ thể nào, tờ Bild nhận định rằng địa điểm có nhiều khả năng xảy ra cuộc đụng độ giữa NATO - Nga được cho là “Khoảng trống Suwalki”, hay Hành lang Suwalki. Đây là đoạn hẹp dài khoảng 100 km gần thành phố Suwalki ở phía đông bắc Ba Lan, nằm giữa Belarus và vùng Kaliningrad của Nga.
Tài liệu mật trên nói rằng đến tháng 7, Nga có thể tiến hành các cuộc tấn công mạng và các hình thức tác chiến hỗn hợp khác chống các nước vùng Baltic. Hơn nữa, theo nguồn tin, các cuộc đụng độ sẽ xảy ra và Moskva có thể bắt đầu các cuộc tập trận quy mô lớn trên lãnh thổ nước này và ở Belarus. Đến tháng 10, Nga được cho là có thể chuyển quân và tên lửa tầm trung tới khu vực Kaliningrad và tháng 12 có thể chứng kiến cuộc xung đột biên giới nổ ra ở Hành lang Suwalki.
Theo tờ Bild, tài liệu mật cũng cho rằng vào thời điểm Mỹ bầu cử tổng thống, Nga, với sự hỗ trợ của Belarus, sẽ tiến hành chiến dịch quân sự trên lãnh thổ NATO. Vào tháng 5/2025, NATO sẽ đưa ra các biện pháp ngăn chặn. Đến tháng 6/2025, NATO có thể triển khai 300.000 binh sĩ đến sườn phía đông, trong đó có 30.000 binh sĩ từ Đức.
Tờ Bild không cung cấp thông tin làm rõ các kịch bản trên. Ngoài ra, theo giới quan sát, Ukraine không phải là thành viên của NATO và cơ hội trở thành thành viên NATO vẫn chưa chắc chắn.
Tờ Bild nói khi đề cập đến kế hoạch bí mật của quân đội Đức: “Các hành động của Nga và phương Tây được mô tả chính xác về tháng và địa điểm”.
Tuy nhiên, các tác giả của báo cáo vẫn bỏ ngỏ câu hỏi liệu tình huống leo thang giả định này sẽ kết thúc như thế nào.
Thông tin của tờ Bild được đưa ra trong bối cảnh phương Tây đang cạn kiệt ngân sách và trang thiết bị quân sự để hỗ trợ Ukraine trong cuộc xung đột với Nga. Sau khi Moskva triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào tháng 2/2022, Mỹ và các đồng minh NATO đã tăng cường cung cấp vũ khí sát thương cho Kiev, thúc đẩy hiện đại hóa quân sự các lực lượng châu Âu, đồng thời tăng cường hiện diện quân sự ở Trung và Đông Âu. Các chuyên gia nói rằng NATO từng cam kết có thể triển khai ít nhất 300.000 quân ở Trung và Đông Âu, đồng thời xây dựng cơ sở hạ tầng quân sự ở Ba Lan, các nước vùng Baltic, Romania và các quốc gia khác trên lục địa.
Để đáp trả việc NATO viện trợ quân sự cho Ukraine, hồi tháng 4/2023, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết hệ thống tên lửa chiến thuật Iskander-M có khả năng mang đầu đạn hạt nhân đã được chuyển giao cho Lực lượng Vũ trang Belarus. Ngay lập tức, lãnh đạo Đức và EU cáo buộc Moskva đe dọa an ninh của khối và gây ra “mối đe dọa tấn công” bằng cách triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở Belarus.
Trên thực tế, Nga cho biết đây chỉ là phản ứng trước sự mở rộng liên tục của NATO. Đài Sputnik cho hay quyết tâm của Moskva trong việc bảo vệ chính mình và các đồng minh đã được nêu rõ trong học thuyết chính sách đối ngoại mới được Tổng thống Nga Putin ký ngày 31/3/2023.
Phát biểu khi chủ trì cuộc họp của Bộ Quốc phòng Nga ngày 19/12/2023, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng nêu rõ: “Gần đây, hoạt động của toàn bộ khối quân sự NATO đã tăng mạnh. Các lực lượng đáng kể của Mỹ, bao gồm cả máy bay, đã được triển khai đến biên giới của chúng ta, và số lượng quân liên minh ở Đông và Trung Âu đã tăng lên”.