Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steve Mnuchin trong cuộc họp báo tại California ngày 5/11/2017. Ảnh: AFP/TTXVN |
Quyết định nói trên được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 8/5 vừa qua tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) ký hồi năm 2015 giữa Iran và Nhóm P5+1 (gồm 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và Mỹ cộng với Đức).
Bộ Tài chính Mỹ cho biết đang làm việc với Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) nhằm "phá vỡ mạng lưới hối đoái rộng lớn tại Iran và UAE vốn đã thu mua và chuyển hàng triệu USD cho IRGC-QF để lực lượng này trang trải cho các hoạt động của mình và các tổ chức bình phong trong khu vực".
Tuyên bố của Bộ Tài chính Mỹ cáo buộc Ngân hàng Trung ương Iran đồng lõa với IRGC-QF và hỗ trợ tích cực hoạt động chuyển đổi tiền tệ của mạng lưới này. Theo đó, toàn bộ tài sản và lợi ích tài sản của 9 cá nhân và thực thể trong diện bị trừng phạt nói trên bị hệ thống tư pháp Mỹ phong tỏa, và mọi công dân Mỹ nói chung bị cấm giao dịch với 9 cá nhân và thực thể này.
Tuyên bố của Bộ Tài chính Mỹ cũng nêu rõ các thiết chế tài chính nước ngoài bị phát hiện tạo điều kiện cho các giao dịch với 9 cá nhân và thực thể Iran nói trên, cũng như cá nhân cung cấp vật chất hay các hỗ trợ khác cho các đối tượng này cũng có nguy cơ bị ngăn chặn tiếp cận hệ thống tài chính Mỹ và bị phong tỏa các lợi ích tài sản.
Bộ Tài chính Mỹ cho biết thêm rằng do quyết định của ông Trump rút Mỹ khỏi JCPOA, đến ngày 7/8/2018, Chính phủ Mỹ sẽ tái áp đặt các biện pháp cấm vận, theo đó cấm Chính phủ Iran mua đồng USD.
Quyết định của Tổng thống Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran đã vấp phải sự phản đối của Liên hợp quốc và nhiều nước trên thế giới. Nhiều nước lo ngại rằng hành động này có thể làm xói mòn các hiệp định đa phương, đồng thời việc đơn phương áp đặt trừng phạt của Mỹ có thể đe dọa lợi ích kinh tế của các nước khác.