Bộ ba Nga - Trung Quốc - Iran: ‘Cơn ác mộng’ đối với Mỹ

Có thể xem Hội thảo an ninh quốc tế Moskva mới đây là nơi phát đi lời cảnh báo nhằm vào Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), rằng các cường quốc khác sẽ không để phương Tây tự do hành động.

Một sự kiện quan trọng mà truyền thông phương Tây hầu như không đưa tin. Đó là việc Bộ trưởng Quốc phòng, quan chức chính trị, quân sự cấp cao của hơn 70 nước trên thế giới đã có mặt tại khách sạn 5 sao Radisson Royal ở thủ đô Moskva hôm 16/4, để tham dự cuộc hội thảo Hội thảo An ninh Quốc tế Moskva (MCIS) thường niên 2015, do Bộ Quốc phòng Nga đứng ra tổ chức.

Quang cảnh Hội nghị An ninh Quốc tế Moskva 2015. Ảnh: RIA Novosti


MCIS có tầm mức tương đương với Hội nghị An ninh Munich (MSC), thế nhưng tính chất thì lại khác nhau. Nếu như MSC là diễn đàn được lập ra để xem xét an ninh châu Âu – Đại Tây Dương và nhìn nhận an ninh toàn cầu dưới “lăng kính” của NATO, thì MCIS lại có được tính chất đa dạng và bao trùm hơn. Nó đi vào những lo ngại về an ninh toàn cầu, ngoại trừ không gian châu Âu - Đại Tây Dương, nhất là tình hình ở Trung Đông, châu Á - Thái Bình Dương.

Điểm nổi bật tại kì MCIS lần thứ tư này chính là khả năng hình thành liên kết Nga - Trung Quốc - Iran trong một trật tự thế giới mới. Tại Hội nghị, Bộ trưởng Quốc phòng Iran Hussein Dehghan tuyên bố, nước này muốn cùng với Trung Quốc, Ấn Độ, Nga có cách tiếp cận “tập thể” phản đối lá chắn tên lửa Mỹ, cũng như động thái mở rộng NATO. Ông Dehghan cũng nói rằng, hội nghị thượng đỉnh Nga – Trung Quốc – Iran sẽ sớm được tổ chức, thông tin sau đó được phái đoàn Trung Quốc xác nhận.

Trong cuộc gặp với người đồng cấp Trung Quốc Thường Vạn Toàn, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu nhấn mạnh, Moskva xem hợp tác quân sự Nga – Trung là một ưu tiên hàng đầu. Còn trước phái đoàn Iran, ông cũng khẳng định hợp tác Nga – Iran sẽ là một phần của nền tảng của trật tự thế giới đa cực và hai nước có trung cách thức tiếp cận chiến lược đối với Mỹ.

Nhìn rộng ra, môi trường địa chính trị đang thay đổi nhanh chóng mà không theo ý định của Mỹ. Ngoài Liên minh kinh tế Á - Âu đã chính thức đi vào hoạt động với các thành viên ban đầu là Armenia, Belarus, Kazakhstan và Nga, trong không gian Á - Âu tiến trình liên kết giữa Nga - Trung Quốc - Iran cũng đang được thúc đẩy mạnh mẽ trên tất cả các mặt chính trị, kinh tế, ngoại giao, quân sự. Cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Zbigniew Brzezinski đã phải lên tiếng cảnh báo giới tinh anh tại Washington về sự hình thành của liên minh Á - Âu đủ sức thách thức sức mạnh Mỹ. Theo Brezinski, một liên minh như vậy sẽ xuất hiện khi có sự hình thành của khối Nga - Trung Quốc - Iran và điều nguy hiểm chính là ở chỗ liên kết bộ ba này có thể sẽ là “thỏi nam châm có sức hút cực mạnh đối với nhiều quốc gia khác – những nước không hài lòng với hiện trạng thực tại”. 

Hệ thống tên lửa S-300 do Nga sản xuất. Ảnh: AP


Trong xu hướng này, hợp tác quân sự được xem là nhân tố quan trọng. Đó là bởi một “Bức màn sắt” đang được Washington bung ra để bủa vây Trung Quốc, Iran, Nga thông qua các hạ tầng tên lửa của Mỹ và NATO. Mạng lưới tên lửa này mang tính chất tấn công, chứ không phải phòng thủ. Mục đích mà Lầu Năm góc hướng tới là tước đoạt khả năng phòng vệ của Nga và các cường quốc thuộc không gian Á - Âu trước các đòn tấn công tên lửa đạn đạo của Mỹ. Đây cũng chính là mối quan tâm của cả Nga, Trung Quốc, Iran.

Ý tưởng về việc thiết lập một lá chắn tên lửa chung giữa 3 nước trên được manh nha hình thành từ năm 2011. Cả Moskva, Bắc Kinh và Tehran đều có động thái đẩy mạnh hợp tác trên hướng này này sau những diễn biến liên quan đến khủng hoảng Syria, “cách mạng Maidan” ở Ukraine, “xoay trục” của Mỹ sang châu Á.

Trên thực địa, người ta thấy các hệ thống tên lửa phòng thủ hiện đại như S-300, S-400 xuất hiện đều khắp tại không gian Á-Âu, từ Armenia,  Belarus tới Kamchatka (Nga), như là cách đáp trả bức màn sắt mà Mỹ và NATO đang dựng lên. Việc Nga tuyên bố sẽ chuyển giao S-300 cho Iran không đơn giản chỉ là việc thực thi một hợp đồng thương mại bị gác lại. Đó chính là chất kết dính quan hệ quân sự Nga – Iran, thúc đẩy hợp tác Á - Âu chống lại mối đe dọa từ lá chắn tên lửa của Mỹ và NATO nhằm vào những quốc gia không chịu khuất phục trước Washington.


Hoài Thanh (Theo TV-Novosti)

 Iran, Nga đàm phán chuyển giao hệ thống phòng không S-300
Iran, Nga đàm phán chuyển giao hệ thống phòng không S-300

Iran và Nga hiện đang tiến hành đàm phán về thời gian chuyển giao hệ thống phòng thủ tên lửa S-300.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN