Dẫn dự thảo đề xuất của EC, trang mạng Bloomberg đưa tin EU đang lên kế hoạch đề xuất các biện pháp nhằm xoa dịu thị trường năng lượng và đối phó với khủng hoảng năng lượng trong tuần này.
“Đây là thời điểm để hành động, cho mùa Đông này và xa hơn nữa… Tình hình hiện nay khiến kinh tế và xã hội gặp khó khăn, đặt gánh nặng lên người dân. Chi phí năng lượng tăng cao dẫn đến giảm sức mua của công chúng và khiến các công ty mất khả năng cạnh tranh”, dự thảo đề xuất nêu rõ.
Dự thảo được cho là sẽ đưa ra các cách thức để thành viên EU sử dụng viện trợ từ quỹ liên kết của khối, với số tiền lên tới 40 tỷ euro, nhằm đối phó với tác động của chi phí năng lượng cao đối với các công ty và gia đình.
Các thành viên EU cũng sẽ được cung cấp một nền tảng mua chung để điều phối việc lấp đầy khí đốt dự trữ. Các quốc gia dự kiến cùng nhau mua đủ lượng khí đốt để lấp đầy ít nhất 15% kho dự trữ của mỗi nước. Trong khi đó, các công ty năng lượng sẽ được phép thành lập một tập đoàn châu Âu để đàm phán các hợp đồng dài hạn.
Dự thảo cũng đề xuất đặt giới hạn giá đối với các hoạt động mua bán tại trung tâm giao dịch TTF Hà Lan, nhưng nhấn mạnh áp giá trần là phương án cuối cùng và chỉ được thực hiện khi được chính phủ các nước cho phép.
Một công cụ khác nhằm ngăn chặn sự biến động giá khí đốt được nêu trong dự thảo là yêu cầu các trung tâm giao dịch khởi động cơ chế giới hạn giá tạm thời trong ngày đối với điện năng và khí đốt, cho phép họ đặt ra giới hạn về mức giá giao ngay trong ngày.
Dự thảo sẽ được các nhà lãnh đạo EU thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh tổ chức vào ngày 20-21/10. Các bộ trưởng năng lượng sẽ thông báo chi tiết dự thảo trong cuộc họp tại Luxembourg vào tuần tới.
Đầu tháng 9, trong một cuộc họp báo ở Brussels, người đứng đầu Uỷ ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết đã đề xuất với Hội đồng Năng lượng của Liên minh châu Âu thiết lập mức giá trần đối với khí đốt Nga. Bà Ursula von der Leyen nhấn mạnh việc áp dụng biện pháp này có thể diễn ra rất nhanh sau khi đạt được sự thống nhất của các quốc gia trong Liên minh. Theo tờ Politico, EC muốn áp giá trần khí đốt của Nga tại Liên minh châu Âu ở mức 50 euro cho mỗi megawatt-giờ, hoặc khoảng 520 euro (520 USD) cho 1.000 m3 khí đốt.
Bộ trưởng Ngoại giao Hungary Peter Szijjarto cho hay việc áp giá trần đối với khí đốt Nga sẽ khiến Moskva ngừng cung cấp khí đốt sang châu Âu ngay lập tức. Ông Szijjarto cũng nhấn mạnh sáng kiến của EC đi ngược lại với lợi ích của Hungary.
Về phần mình, Nga cảnh báo châu Âu sẽ không nhận được cả dầu và khí đốt nếu áp giá trần đối với các mặt hàng này của Nga.