Phát biểu trên của bà Yellen được đưa ra trong hội nghị chung do Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) đồng tổ chức ở Washington. Trong bài phát biểu, vị bộ trưởng lưu ý rằng Mỹ và các nước phương Tây vẫn đang thảo luận về xác định mức giá cho một cơ chế giới hạn nhằm trừng phạt Nga liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine, trong khi vẫn duy trì nguồn dầu thô của nước này trên thị trường toàn cầu.
Theo bà Yellen, các công ty năng lượng Nga đã sản xuất và bán dầu trong phạm vi 60 USD/thùng trong năm đến bảy năm qua.
Vì vậy, một mức giá trong phạm vi đó sẽ đủ để khiến Nga cảm thấy họ có thể sản xuất và bán dầu có lãi. Bà Yellen còn nói thêm rằng chi phí sản xuất của Nga là "thấp".
Dầu thô Urals của Nga gần đây đã giao dịch ở mức khoảng 75 USD/thùng, cho thấy mức chênh lệch lên tới 17 USD so với giá dầu Brent kỳ hạn.
Bên cạnh đó, Phó Bộ trưởng Tài chính Mỹ Wally Adeyemo nói trong một hội nghị ở New York rằng Nga đang cố gắng chốt các hợp đồng ở mức giá thấp hơn nhiều so với giá dầu Brent. Đây là một dấu hiệu cho thấy các cuộc thảo luận về giới hạn giá đang có tác dụng.
Bà Yellen nhấn mạnh mục tiêu của kế hoạch áp trần giá dầu là nhằm bảo vệ thế giới khỏi hậu quả của tình trạng giá dầu tăng đột biến trên thị trường toàn cầu.
Tuy nhiên, bà cũng cho biết Bộ Tài chính Mỹ đang chú ý đến vị thế đồng tiền dự trữ của đồng USD và không muốn trở nên phụ thuộc quá nhiều vào các biện pháp trừng phạt tài chính có thể làm suy yếu đồng bạc xanh.
Ngoài việc bị áp đặt các giới hạn về giá, các sản phẩm dầu của Nga còn không được hưởng các dịch vụ bảo hiểm vận tải và dịch vụ tài chính hỗ trợ khác khi chúng vượt một mức giá cụ thể. Những người ủng hộ nỗ lực của Mỹ và phương Tây đang muốn cơ chế trên bắt đầu có hiệu lực từ ngày 5/12, khi Liên minh châu Âu (EU) thực hiện lệnh cấm theo từng giai đoạn đối với dầu thô của Nga.