Trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin Bloomberg bên lề Hội nghị lần thứ 27 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) được tổ chức tại thành phố Sharm el-Sheikh, ông Molla nói rằng Ai Cập có kế hoạch đưa điện tới đảo Cyprus (Síp) và Hy Lạp thông qua một tuyến cáp dưới Địa Trung Hải, đồng thời hướng tới xuất khẩu hydro, loại nhiên liệu có thể được sử dụng cho các nhà máy điện.
Quan chức Ai Cập tiết lộ rằng có rất nhiều phát triển giữa hai bên liên quan tới dự án kết nối điện. Theo ông Molla, các cuộc thảo luận về tuyến cáp này đang được tiến hành và Ai Cập có thể sẵn sàng cung cấp năng lượng cho châu Âu trong vòng 5 năm. Với giá trị đầu tư 3,5 tỷ USD, dự án tuyến cáp điện dưới biển có tổng chiều dài 1.373 km kết nối giữa miền Bắc Ai Cập và khu vực Attica ở Hy Lạp, sẽ được xây dựng để truyền tải 3.000 MW điện từ Ai Cập tới Hy Lạp.
Ai Cập đã hoàn thành các mạng lưới điện kết nối với Libya, Sudan và Saudi Arabia. Dự án truyền tải điện kết nối giữa Ai Cập và Hy Lạp dự kiến sẽ được hoàn thành trong 7-8 năm tới. Ông Molla giải thích thêm động lực tổ chức thành công Hội nghị COP27 cũng sẽ giúp Ai Cập tăng cường và đẩy nhanh các dự án giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính của mình.
Ông chỉ ra rằng Ai Cập đặt mục tiêu trở thành một trung tâm trung chuyển khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) ở khu vực Địa Trung Hải. Xuất khẩu LNG và khí đốt tự nhiên của Ai Cập cũng đã tăng 4 lần trong 8 năm qua, từ mức 1,9 triệu tấn lên 7,2 triệu tấn. Cũng trong cùng khoảng thời gian này, quốc gia Bắc Phi này đã ký hơn 100 thỏa thuận với các công ty quốc tế liên quan tới việc khai thác khí đốt và xăng dầu với giá trị đầu tư tối thiểu là 22 tỷ USD.
Sau khi đảm bảo tự cung cấp khí đốt tự nhiên vào năm 2018, Ai Cập có kế hoạch sử dụng vị trí ở ngưỡng cửa châu Âu để trở thành nhà cung cấp LNG chính cho lục địa này, trong bối cảnh cuộc cách mạng năng lượng hối thúc quá trình chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch.
Sau những phát hiện liên quan tới mỏ khí đốt tự nhiên khổng lồ Zohr ở Địa Trung Hải, quốc gia Bắc Phi này cũng có tham vọng xuất khẩu khí đốt tự nhiên sang châu Âu, giúp lục địa này giảm bớt gánh nặng của cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay do việc ngừng nhập khẩu khí đốt của Nga, sau khi nổ ra xung đột tại Ukraine.
Nguồn xuất khẩu khí đốt tự nhiên từ Ai Cập đặc biệt được coi trọng trong hoàn cảnh các nước châu Âu mong muốn đa dạng hóa các nguồn năng lượng để giảm sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga, vốn chiếm khoảng 45% nhập khẩu của lục địa này trong năm 2021.