Binh biến ở Mali: EU, AU và Mỹ lên án và kêu gọi trả tự do cho các nhà lãnh đạo Mali

Các lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) ngày 19/8 kêu gọi các binh sĩ tham gia binh biến ở Mali trả tự do cho Tổng thống Ibrahim Boubacar Keita, Thủ tướng Boubou Cisse và các quan chức cấp cao đang bị lực lượng này bắt giữ.

Chú thích ảnh
Binh sĩ Mali tới quảng trường Độc lập ở thủ đô Bamako sau khi nổ ra cuộc binh biến do một nhóm binh sĩ tiến hành, ngày 18/8/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong một hội nghị thượng đỉnh trực tuyến của 27 lãnh đạo EU, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cho biết: "Chúng tôi kêu gọi lập tức trả tự do cho (các nhà lãnh đạo Mali đang bị bắt giữ) và lập lại trật tự luật pháp". EU nhấn mạnh "cần ưu tiên cho sự ổn định khu vực và của Mali, cũng như cuộc chiến chống khủng bố". Ông Michel cho biết thêm rằng EU sẽ hợp tác chặt chẽ với các thể chế quốc tế và của châu Phi có liên quan "nhằm tìm ra một giải pháp đáp ứng nguyện vọng của người dân Mali".

Cùng ngày, Chủ tịch Liên minh châu Phi (AU) – Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa đã lên án sự thay đổi Chính phủ Mali một cách vi hiến, đồng thời yêu cầu quân đội Mali ngay lập tức trả tự do cho Tổng thống, Thủ tướng và các thành viên chính phủ. 

Theo phóng viên TTXVN tại Pretoria, Chủ tịch AU Ramaphosa kêu gọi cần ngay lập tức đưa Mali trở lại chế độ dân sự và quân đội phải trở về doanh trại. Ông Ramaphosa đề nghị người dân Mali, các đảng phái chính trị và xã hội dân sự tuân thủ pháp quyền, cũng như tham gia đối thoại hòa bình nhằm giải quyết các thách thức hiện nay. Ông cũng kêu gọi các nhà lãnh đạo châu Phi và toàn thể cộng đồng quốc tế lên án và bác bỏ hành vi thay đổi Chính phủ Mali một cách vi hiến do quân đội nước này tiến hành, và đề nghị hỗ trợ người dân Mali trở lại chế độ dân sự và dân chủ.

Trước đó, Chủ tịch Ủy ban châu Phi (AUC) Moussa Faki cũng lên án việc bắt giữ các nhà lãnh đạo chính trị ở Mali, đồng thời khẳng định phản đối bất kỳ nỗ lực nào nhằm thay đổi chính phủ một cách vi hiến, kêu gọi các binh sĩ Mali chấm dứt sử dụng vũ lực và trả tự do ngay lập tức cho các lãnh đạo bị bắt giữ. Chủ tịch AUC kêu gọi Cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS), Liên hợp quốc (LHQ) và toàn thể cộng đồng quốc tế phản đối mọi hành động sử dụng vũ lực để giải quyết khủng hoảng chính trị tại Mali.

Về phần mình, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết Washington lên án cuộc binh biến tại Mali, và kêu gọi trả tự do cho các nhà lãnh đạo bị bắt giữ.

Cũng trong ngày 18/8, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres đã lên án đồng thời kêu gọi ngay lập tức khôi phục trật tự hiến pháp và thượng tôn pháp luật tại Mali, yêu cầu “trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện” Tổng thống Keita và các thành viên trong chính phủ của ông. TTK hối thúc tất cả các bên liên quan, đặc biệt là các lực lượng vũ trang và an ninh, giảm căng thẳng và duy trì các quyền cơ bản cho người dân Mali. Dự kiến, Hội đồng Bảo an LHQ sẽ nhóm họp trong ngày 19/8 để thảo luận về tình hình Mali theo đề xuất của Pháp và Niger. 

Trước đó cùng ngày, các binh sĩ Mali đã nổi loạn bên ngoài thủ đô Bomaka, bắt giữ Tổng thống Keita và Thủ tướng Cisse cùng một số thành viên trong chính phủ. Một quan chức thuộc Văn phòng Thủ tướng Mali xác nhận Tổng thống và Thủ tướng bị giam giữ tại căn cứ quân sự ở thị trấn Kati. Chỉ vài giờ sau khi bị các binh sĩ bắt giữ, Tổng thống Keita đã tuyên bố từ chức và giải tán Quốc hội. Trong khi đó, các binh sĩ tham gia binh biến đã tuyên bố sẽ duy trì ổn định, thực thi tiến trình chuyển tiếp chính trị và tiến hành bầu cử trong thời gian hợp lý. 

Hiện chưa rõ nhân vật chỉ đạo cuộc binh biến. Tuy nhiên, theo một người phát ngôn của lực lượng tham gia binh biến, tự xưng là Ủy ban Quốc gia Bảo vệ nhân dân, quân đội đã hành động để Mali không lún sâu hơn vào khủng hoảng. Cuộc binh biến đã nhanh chóng vấp phải sự chỉ trích của các đối tác quốc tế và khu vực của Mali.

Bích Liên -  Đình Lượng (TTXVN)
Lực lượng G5 Sahel, Trung Quốc kêu gọi binh sỹ Mali trả tự do cho Tổng thống Keita
Lực lượng G5 Sahel, Trung Quốc kêu gọi binh sỹ Mali trả tự do cho Tổng thống Keita

Ngày 19/8, Lực lượng đặc nhiệm G5 Sahel khu vực Tây Phi đã yêu cầu các binh sĩ tham gia binh biến ở Mali trả tự do cho Tổng thống Ibrahim Boubacar Keita và các quan chức cấp cao đang bị lực lượng này bắt giữ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN