* Phong trào “chiếm lấy phố Wall” lan đến Los Angeles
Ngày 3/10 (giờ VN), khoảng 35.000 người đã đổ ra các đường phố tại thành phố Manchester (tây bắc nước Anh), để tham gia cuộc biểu tình phản đối việc cắt giảm ngân sách do Trung tâm Nghiệp đoàn (TUC) tổ chức.
Biểu tình phản đối chính sách "thắt lưng buộc bụng" của chính phủ Anh ở Manchester ngày 3/10. Ảnh: AFP-TTXVN |
Các cuộc tuần hành và biểu tình diễn ra trong bối cảnh chính phủ liên minh giữa đảng Bảo thủ của Thủ tướng David Cameron và đảng Dân chủ Tự do đã cam kết cân bằng ngân sách của Anh trước năm 2015.
TUC cho biết, mục đích của cuộc biểu tình và tuần hành là phản đối những "chính sách tai hại" như hạn chế lương, cắt giảm chi tiêu và tấn công các dịch vụ công làm gia tăng tỷ lệ thất nghiệp, điều kiện sống sụt giảm và trì trệ. Tham gia cuộc biểu tình này có cả các công chức và các nhà hoạt động cánh tả. Nhiều tổ chức công đoàn đang kêu gọi tiến hành cuộc tổng bãi công vào ngày 30/10.
Cùng ngày, tại Bồ Đào Nha, gần 200.000 người cũng đã xuống đường biểu tình phản đối chính sách "thắt lưng buộc bụng" mà chính phủ nước này áp dụng nhằm giảm thâm hụt ngân sách. Cuộc biểu tình có sự tham gia của nhiều công chức cũng như người kinh doanh tư nhân. Người biểu tình đã giương cao các biểu ngữ với nội dung phản đối tăng giá, cắt giảm dịch vụ y tế, phản đối sự can thiệp của Quĩ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và cải thiện điều kiện lao động... So với dân số Bồ Đào Nha, cuộc biểu tình này được coi là thu hút đông đảo người tham gia nhất từ trước tới nay và đây là cuộc biểu tình đầu tiên của giới công đoàn Bồ Đào Nha kể từ khi chính phủ cánh hữu lên cầm quyền hồi tháng 6 vừa qua.
Để được nhận gói cứu trợ tài chính 78 tỷ euro từ IMF và Liên minh châu Âu (EU), chính phủ Bồ Đào Nha đã thực hiện chính sách kinh tế khắc khổ, trong đó có chương trình tăng thuế, đặc biệt đối với thị trường lao động, và tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước cỡ lớn. Giới công đoàn chỉ trích chính phủ nhân bối cảnh khủng hoảng hiện nay để đưa ra những chính sách vi phạm Luật Lao động và các thành quả xã hội.
Tại Hunggari, ít nhất 50.000 người đã tham gia biểu tình suốt 3 ngày qua tại thủ đô Buđapét. Dự kiến các cuộc biểu tình sẽ diễn ra đồng loạt trên khắp cả nước và kéo dài vô thời hạn.
Đơn vị tổ chức cuộc biểu tình nói trên cho biết, các cuộc đình công và biểu tình sẽ kéo dài vô thời hạn chừng nào yêu sách 8 điểm đưa ra hồi tháng 9 vừa qua của họ chưa được đáp ứng. Theo đó, đề nghị chính phủ ngừng thực thi các biện pháp kinh tế khắc khổ và chấm dứt sự cắt giảm một số quyền lợi của người lao động, bảo đảm chế độ lương hưu cho những người nghỉ hưu sớm, đặc biệt là giới nhân viên công lực. Các biện pháp siết chặt này được chính phủ thông qua hồi đầu năm, được xem là một phần trong những nỗ lực nhằm cắt giảm thâm hụt ngân sách năm 2012 xuống dưới mức 3% theo quy định của EU, đồng thời giảm mức vay nợ.
* Ngày 3/10, tại Mỹ, khoảng 800 người biểu tình đã tập trung tại khu vực trung tâm thành phố Los Angeles, bày tỏ sự ủng hộ đối với phong trào "Chiếm lấy Phố Wall" đang diễn ra tại thành phố New York.
Đoàn biểu tình cực lực phản đối chính sách tài chính của Mỹ và lên án giới ngân hàng - thủ phạm của cuộc khủng hoảng tài chính 2008 và nạn thất nghiệp ở Mỹ hiện đã lên tới hơn 9% . Người biểu tình cho rằng, chính sách tài chính hiện nay chỉ có lợi cho giới giàu có, trong khi họ - thành phần chính trong xã hội - đang phải đối mặt với tỷ lệ thất nghiệp quá cao và tỷ lệ đói nghèo tăng nhanh.
Như vậy, từ New York, làn sóng biểu tình chống giới tài chính ngân hàng và chính sách tài chính của Mỹ đã lan tới thủ đô Oasinhtơn cùng các thành phố Boston, Chicago, San Francisco, Los Angeles, Albuquerque và New Mexico...
TTG