Biểu tình rầm rộ khắp Ai Cập

Ngày 19/7, phe Hồi giáo Ai Cập đã tổ chức các cuộc biểu tình lớn trên khắp cả nước nhằm phản đối cuộc đảo chính quân sự lật đổ Tổng thống Mohamed Morsi. Trong khi đó, hàng nghìn người biểu tình chống lại nhà lãnh đạo này cũng tổ chức biểu dương lực lượng.

Chiều 19/7, hàng trăm nghìn người Hồi giáo đã đổ xuống đường tham gia các cuộc biểu tình, tuần hành trên khắp thủ đô Cairo và nhiều tỉnh thành khác trên khắp cả nước nhằm phản đối cuộc đảo chính quân sự lật đổ vị Tổng thống dân bầu đầu tiên của Ai Cập. Người tuần hành xuất phát từ nhiều nhà thờ kéo về trước cổng trường Đại học Cairo ở tỉnh Giza và Quảng trường Rabaa Al-Adawiya tại quận Nasr City ở phía Bắc Cairo. Giao thông bị tê liệt hoàn toàn tại các địa điểm phe Hồi giáo tổ chức tuần hành.

Biểu tình ủng hộ Tổng thống bị phế truất Mohamed Morsi ở thủ đô Cairo, ngày 12/7/2013. Ảnh: AFP/TTXVN


Nhiều người ủng hộ cựu Tổng thống Mohamed Morsi cũng tập trung bên ngoài Trung tâm sản xuất truyền thông Cairo (MPC) - địa điểm tập trung phần lớn các kênh truyền hình và phát thanh tư nhân - phản đối "định kiến" của giới truyền thông đối với phe Hồi giáo.

Trực thăng và máy bay chiến đấu của quân đội liên tục quần đảo phía trên các địa điểm tập trung người biểu tình. Từ 15-18h, Sân bay quốc tế Cairo ngừng tiếp nhận các chuyến bay khi lực lượng không quân thực hiện các cuộc trình diễn nhân kỷ niệm chiến thắng của Ai Cập trong cuộc chiến tranh năm 1973 với Israel. Trong khi đó, trang web của Đảng Tự do và Công lý - nhánh chính trị của tổ chức Anh em Hồi giáo - cho rằng đây là "hành động đe dọa" của quân đội đối với những người biểu tình.

Quân đội, cảnh sát cùng nhiều xe bọc thép được triển khai dày đặc xung quanh các địa điểm biểu tình, tuần hành của phe Hồi giáo. Các binh sĩ quân đội ngăn cản hàng chục nghìn người ủng hộ ông Morsi tuần hành từ Quảng trường Rabaa Al-Adawiya tới trụ sở của Bộ Quốc phòng gần đó. Lực lượng quân đội đã buộc phải bắn hơi cay nhằm không cho những người biểu tình ủng hộ ông Morsi tiến sát khu vực Phủ tổng thống ở quận Heliopolis nơi hàng nghìn người phản đối nhà lãnh đạo này đang tập trung.

Cùng ngày, những người ủng hộ Tổng thống bị lật đổ Mohamed Morsi cũng tham gia biểu tình tại nhiều tỉnh thành khác như Alexandria - thành phố lớn thứ hai của Ai Cập nằm trên bờ Địa Trung Hải, Gharbiya, Sharqiya, Fayoum, Beni Suef, Ismailia, Assiut và Marsa Matrouh, hàng chục nghìn người hô các khẩu hiệu phản đối lập trường "ủng hộ đảo chính" của các phương tiện truyền thông, đòi đưa Bộ trưởng Quốc phòng Abdel-Fattah El-Sisi ra tòa, đồng thời yêu cầu phục chức cho ông Morsi, khôi phục Hiến pháp và thề chiến đấu để bảo vệ "tính hợp pháp".

Cuộc biểu dương lực lượng này của phe Hồi giáo mang tên "Cuộc vượt kênh lần thứ hai", ám chỉ chiến dịch vượt Kênh đào Suez trong cuộc chiến tranh tháng 10/1973 với Israel (diễn ra vào ngày thứ 10 của tháng lễ Ramađan, năm nay đúng vào ngày 19/7). Trước đó, Văn phòng Hướng dẫn của tổ chức Anh em Hồi giáo đã phát hành tờ rơi kêu gọi những người ủng hộ leo thang biểu tình cho tới khi ông Morsi được phục chức với khẩu hiệu "Chúng ta sẽ chiến đấu cho tới chết để mang lại chiến thắng cho đạo Hồi và lật đổ chính quyền quân sự".

Theo kế hoạch này, phe Hồi giáo sẽ tổ chức hàng loạt cuộc tuần hành xuất phát từ các nhà thờ tới tập trung trước cửa trụ sở các cơ quan chính phủ, các căn cứ quân sự và các đại sứ quán, trong đó có cả các đại sứ quán Ai Cập ở nước ngoài, đồng thời phong tỏa các tuyến giao thông đường bộ, đường sắt, cắt đứt các đường dây điện và điện thoại mở đầu cho một chiến dịch bất tuân dân sự.

Cùng ngày, hàng nghìn người biểu tình phản đối ông Morsi đã kéo tới Dinh tổng thống Ittihadiya và quảng trường Tahrir để ăn mừng thành công của làn sóng cách mạng ngày 30/6 vừa qua và kỷ niệm chiến thắng của Ai Cập trong cuộc chiến tranh năm 1973 với Israel.

Tại Quảng trường Tahrir, người biểu tình giơ các biểu ngữ vinh danh những người đã hy sinh trong cuộc chiến này và tung hô người đứng đầu lực lượng quân đội Abdel Fattah El-Sisi. Đám đông bắn pháo hoa, vẫy quốc kỳ và hô vang "Ai Cập muôn năm". Hàng nghìn người cũng đổ xuống đường tại Ismailia và Damietta phản đối tổ chức Anh em Hồi giáo. Các cuộc biểu dương lực lượng này diễn ra theo lời kêu gọi của chiến dịch Tamarod (Nổi dậy) đứng sau làn sóng biểu tình dẫn tới việc quân đội phế truất ông Morsi hôm 3/7 vừa qua.

Theo nhật báo "Al Ahram", tại tỉnh Qena ở vùng Thượng Ai Cập, tối 19/7, cảnh sát đã buộc phải bắn đạn hơi cay để giải tán một cuộc đụng độ giữa những người biểu tình đối địch. Trước đó, tại thành phố Mansoura ở khu vực đồng bằng châu thổ sông Nile, đụng độ bằng súng và dao giữa những người ủng hộ và phản đối ông Morsi đã khiến 3 phụ nữ bị thiệt mạng và ít nhất 7 người khác bị thương. Tại Cairo, một nữ phóng viên của tờ "Almasry Alyoum" đã bị những người biểu tình ủng hộ ông Morsi tấn công thô bạo và thu giữ camera khi đang quay cảnh một vụ đụng độ.

Cũng trong ngày 19/7, hãng thông tấn chính thức MENA của Ai Cập cho biết Bộ Ngoại giao nước này đã hủy bỏ hộ chiếu ngoại giao của Tổng thống bị lật đổ Mohamed Morsi và gia đình của ông này. Trong một tuyên bố, bộ này cho biết quyết định trên được đưa ra thể theo yêu cầu của Phủ tổng thống và dựa trên các quy định của luật pháp. Biện pháp tương tự cũng được áp dụng đối với các trợ lý và cố vấn của ông Morsi, cũng như các cựu thành viên của Hội đồng Shura (Thượng viện Ai Cập) sau khi cơ quan này bị giải tán theo Tuyên bố hiến pháp của Tổng thống lâm thời Atly Mansour.

Trong một diễn biến liên quan, các nhà lãnh đạo cấp cao của tổ chức Anh em Hồi giáo và các nhân vật Hồi giáo khác đang bị giam giữ tại nhà tù Tora để phục vụ điều tra đã được chuyển đến nhà tù Akrab - một địa điểm được canh giữ hết sức cẩn mật nằm ở phía Nam Cairo. Theo MENA, nhà tù Akrab được biết đến như một địa điểm giam giữ bí mật đối với các đối tượng bị cáo buộc thực hiện các hành vi bạo lực chính trị, trong đó có các tay súng thánh chiến và các chiến binh Hồi giáo cực đoan.

Cùng ngày, nhật báo "Almasry Alyoum" dẫn lời tân Bộ trưởng Phát triển địa phương Adel Labib cho biết lộ trình chính trị cho giai đoạn chuyển tiếp ở Ai Cập sẽ bắt đầu với việc sửa đổi Hiến pháp, tiếp theo đó là tổ chức các cuộc bầu cử quốc hội, tổng thống và hội đồng địa phương.

Liên quan tới cuộc bầu cử tổng thống, tối 19/7, phát ngôn viên quân đội Ai Cập xác nhận Tư lệnh các lực lượng vũ trang kiêm Bộ trưởng Quốc phòng nước này Abdel-Fattah al-Sisi sẽ không tham gia tranh cử trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới. Theo phát ngôn viên, ông al-Sisi không có ý định đua tranh chính trị và ông tự hào là người lãnh đạo quân đội. Tuyên bố trên được đưa ra sau các tin truyền thông Ai Cập cho biết ông Sisi, cũng giống như tất cả các công dân khác, có quyền tranh cử tổng thống sau khi nghỉ hưu.

* LHQ yêu cầu giải trình việc bắt ông Morsi


Trước những diễn biến bất ổn tại Ai Cập, phát ngôn viên của Cao ủy Liên hợp quốc (LHQ) về vấn đề nhân quyền Navi Pillay cho biết, bà Pillay đã triệu Đại sứ Ai Cập tại Geneva (Thụy Sĩ) tới vào ngày 10/7 vừa qua, đồng thời gửi văn bản tới nhà chức trách ở Cairo, yêu cầu giải trình về việc bắt giữ cựu Tổng thống Mohamed Morsi và những người khác sau vụ đảo chính.

Đặc biệt bà Pillay yêu cầu cung cấp một danh sách cụ thể những người bị bắt giữ sau cuộc đảo chính và chỉ rõ cơ sở pháp lý để bắt giữ họ - trong số này có ông Morsi và những người thân cận, cũng như nêu tên những người chịu trách nhiệm điều tra các diễn biến hôm 8/7 khi đụng độ giữa quân đội và người ủng hộ ông Morsi làm hơn 50 người thiệt mạng.


TTXVN/Tin tức

Anh ngừng xuất khẩu thiết bị quân sự cho Ai Cập
Anh ngừng xuất khẩu thiết bị quân sự cho Ai Cập

Anh thông báo sẽ thu hồi các giấy phép xuất khẩu trang thiết bị cho quân đội và cảnh sát Ai Cập trong bối cảnh xuất hiện quan ngại rằng chúng có thể được sử dụng nhằm chống lại người biểu tình.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN