Nhật báo The Herald ngày 14/1 dẫn thông báo của Bộ trưởng An ninh Zimbabwe Owen Ncube nêu rõ nhiều người biểu tình quá khích đã đốt lốp xe, phong tỏa một số tuyến đường và phóng hỏa nhiều ôtô tại thủ đô Harare và Bulawayo - thành phố lớn thứ hai của nước này. Lực lượng an ninh Zimbabwe đã nỗ lực trấn áp đám đông quá khích, giải tán hoạt động biểu tình. Hiện giới chức chưa xác định được số người thiệt mạng trong các hành vi bạo loạn này, nhưng ban đầu ghi nhận ít nhất 13 người bị thương. Công tác điều tra đang được xúc tiến. Các lực lượng chức năng đã bắt giữ khoảng 200 đối tượng quá khích. Giới chức quy trách nhiệm cho phe đối lập đã kích động người dân gây ra tình trạng bất ổn này.
Hoạt động biểu tình diễn ra trong bối cảnh chính quyền của Tổng thống Emmerson Mnangagwa quyết định tăng mạnh giá xăng (từ 1,24 USD lên 3,31 USD/1 lít) và dầu diesel (từ 1,36 USD lên 3,11 USD/1 lít) kể từ ngày 13/1 do tình trạng nguồn cung nhiên liệu thiếu hụt nghiêm trọng, được đánh giá là tồi tệ nhất trong một thập kỷ qua, vì thiếu ngoại tệ. Ngoài nhiên liệu, thực trạng hiếu hụt ngoại tệ cũng đang khiến nước này cạn kiệt hàng loạt nhu yếu phẩm như bánh mỳ. Nhiều công ty phải cắt giảm hoặc ngừng sản xuất vì không nhập khẩu được nguyên liệu. Chính phủ không đủ ngoại tệ để trả lương cho người lao động.
Gốc rễ của cuộc khủng hoảng tại Zimbabwe bắt nguồn từ quyết định từ bỏ đồng tiền riêng hồi năm 2009 và sử dụng có loại tiền tệ khác, chủ yếu là USD, sau một đợt siêu lạm phát. Năm 2016, Ngân hàng Trung ương Zimbabwe đã ban hành “tiền trái phiếu” - một loại tiền tệ thay thế có giá trị tương đương đồng USD để bù đắp sự thiếu hụt USD trong hệ thống tiền tệ.
Từng là một trong những quốc gia giàu có nhất châu Phi, trong hơn một thập kỷ qua, các chính sách sai lầm của giới chức, đồng nội tệ mất giá và nạn tham những đã đẩy Zimbabwe rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính nghiêm trọng. Lạm phát có lúc chạm ngưỡng 231 triệu phần trăm vào năm 2008 và tỷ lệ thất nghiệp lên tới 90% vào năm 2017.