Biểu tình Armenia: Một cuộc ‘cách mạng Maidan’ khác nhằm vào Nga?

Hàng ngàn người biểu tình Armenia đã xuống đường tuần hành, phản đối quyết định tăng giá điện mà chính phủ đưa ra. Họ tiến về dinh Tổng thống và “biểu tình ngồi”, gợi lại chính biến Maidan ở Ukraine hơn 1 năm về trước.

Cuộc biểu tình nổ ra hôm 19/6 ở thủ đô Yerevan và nhanh chóng leo thang sau khi cảnh sát dùng vòi rồng giải tán đám đông sáng ngày 23/6. Đến tối ngày 24/6, vẫn còn hàng nghìn người “đóng chốt” tại đại lộ Marshal Baghramyan Avenue gần dinh tổng thống, mang theo biểu ngữ và cản trở giao thông. Tư lệnh cảnh sát Vladimir Gasparyan đã tới hiện trường, thuyết phục mọi người giải tán, nhưng không có kết quả. Người biểu tình từ chối cử đại diện gặp Tổng thống Serge Sargsyan để đàm phán, tháo gỡ bế tắc. Họ cho dựng 5-6 khu lều trại ngay trên đại lộ và tuyên bố sẽ tiếp tục ở lại các quảng trường trung tâm tại thủ đô.

Người biểu tình trên đường phố ở thủ đô Yerevan. Ảnh: AFP


Tình hình trở nên căng thẳng ngay sau khi chính quyền Yerevan hôm 17/6 quyết định cho tăng giá điện sinh hoạt 17-22%, theo đề nghị của Công ty lưới điện Armenia (ENA), đơn vị độc quyền cung cấp điện tại nước này.

Một bản sao “cách mạng Maidan”?

Ngày 24/6, Nghị sĩ Igor Morozov thuộc Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga nhìn nhận, làn sóng biểu tình ở Armenia dường như là bản sao “cách mạng Maidan” tại Ukraine, có thể được Mỹ điều hành trực tiếp từ các phái bộ ngoại giao ở Yerevan. Ông bình luận: “Armenia đang tiến đến gần một cuộc đảo chính xuất phát từ việc sử dụng vũ lực. Điều này sẽ thành hiện thực trừ khi Tổng thống Serge Sargsyan rút ra được các bài học trong cuộc chính biến Maidan ở Ukraine và có những tính toán hợp lý”.

Ông Morozov lưu ý, khủng hoảng ở Armenia hiện nay rất giống với giai đoạn đầu của “cách mạng Maidan”. Tại thời điểm đó, phe đối lập Ukraine cũng từ chối đối thoại với Tổng thống Viktor Yanukovych và kêu gọi cộng đồng châu Âu can thiệp. Lúc đó, các chính trị gia châu Âu thăm Kiev cũng bắt đầu có những bài phát biểu trước đám đông. Một điểm tương đồng khác giữa hai cuộc khủng hoảng chính là dấu hiệu gia tăng các hoạt động can dự của Đại sứ quán Mỹ tại Kiev và Yerevan. “Cần phải lưu ý rằng rằng Đại sứ quán Mỹ tại Armenia là một trong những phái bộ ngoại giao lớn nhất của Mỹ ở nước ngoài, chỉ đứng sau phái bộ ngoại giao tại Iraq, dù Armenia chỉ là một nước nhỏ”, ông Morozov bình luận trước thông tin cho rằng có can dự của Mỹ tại Yerevan.

Cùng thời điểm, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Nga Konstantin Kosachev kết luận, thế đối đầu hiện nay ở Armenia là kịch bản của một cuộc “cách mạng sắc màu” nhằm lật đổ một chính quyền hợp pháp do dân bầu ra dưới công cụ là các cuộc biểu tình đường phố. “Cho đến nay, diễn biến tình hình có vẻ giống một cuộc xung đột giữa những người không hài lòng với thực tại kinh tế xã hội. Thế nhưng chúng ta không được lừa dối bản thân. Tất cả các cuộc cách mạng màu sắc đều phát triển dự theo kịch bản tương tự. Armenia không phải là một ngoại lệ”, hãng tin RIA Novosti trích lời nghị sĩ Kosachev. Ông cũng nói với các phóng viên rằng, có đến cả trăm tổ chức phi chính phủ (NGO) đang hoạt động ở Armenia, với nhiệm vụ thúc đẩy đường hướng thân phương Tây tại quốc gia thuộc vùng Caucasus này.

Giới phân tích nhìn nhận, biến động ở Yerevan có liên quan đến Nga. Công ty ENA hoàn toàn thuộc quyền sở hữu của Inter RAO (Nga), do Igor Sechin làm Chủ tịch và người này được cho là đồng minh của Tổng thống Putin. Đám đông cũng đã trưng ra những biểu ngữ thể hiện làn sóng bài Nga. Nhà phân tích chính trị Sergei Markov người Nga bình luận: Biểu tình phản đối tại Armenia không phải ngẫu nhiên nổ ra, đó là vấn đề liên quan đến “công nghệ và những nhà tổ chức” và chắc chắn những người từng đạo diễn kịch bản Maidan ở Kiev thì giờ cũng đang “điều phối” ở Yerevan, với mục đích là kịch động đổ máu.

Theo một số chuyên gia, việc Mỹ và phương Tây can dự vào Armenia là để nhằm trả đũa chính quyền Tổng thống Sargsyan hồi năm 2013 đã từ chối ký Thỏa thuận liên kết kinh tế với liên minh châu Âu (EU) và hướng trọng tâm sang Nga - như những gì cựu Tổng thống Viktor Yanukovych từng làm ở Ukraine. Ngày 4/12/2014, với 103 phiếu thuận trong số 111 đại biểu có mặt, Quốc hội Armenia đã phê chuẩn thỏa thuận gia nhập Liên minh Kinh tế Âu-Á (EAEU) với đầu tàu là Nga.

Hoài Thanh (Theo RT, The Guardian)
Armenia và Azerbaijan bên bờ vực chiến tranh
Armenia và Azerbaijan bên bờ vực chiến tranh

Hậu quả từ việc Liên Xô tan rã cho đến nay vẫn chưa kết thúc. Sau các hoạt động thù địch giữa Nga và Ukraine, nay đến lượt Armenia và Azerbaijan leo thang căng thẳng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN