Theo kênh RT, kết luận trên được một nhóm tại Đức đưa ra trong nghiên cứu mới trong phòng thí nghiệm. A.30 lần đầu xuất hiện tại Tanzania và về sau được phát hiện ở một số bệnh nhân tại Angola và Thụy Điển vào mùa xuân vừa rồi.
Nhóm nghiên cứu đã so sánh đột biến của A.30 với biến thể Beta và Eta. Beta được chọn vì nó có mức độ kháng kháng thể cao nhất.
Theo nghiên cứu đăng trên tạp chí Miễn dịch Phân tử và Tế bào tuần này, A.30 cho thấy có khả năng xâm nhập phần lớn tế bào vật chủ, gồm tế bào thận, gan và phổi.
Nghiên cứu cho biết: “Đột biến xâm nhập các dòng tế bào nhất định một cách hiệu quả và tránh bị kháng thể vô hiệu hóa”. Tóm lại, A.30 thích xâm nhập một dòng tế bào khác với các biến thể khác và tránh kháng thể của vaccine AstraZeneca và Pfizer.
Biến thể A.30 cũng kháng thuốc đơn dòng Bamlanivimab được dùng để điều trị COVID-19, nhưng lại dễ bị tổn thương nếu kết hợp Bamlanivimab và Etesevimab.
A.30 tới nay chưa được Tổ chức Y tế Thế giới coi là biến thể cần quan tâm hay biến thể gây quan ngại vì nó ít phổ biến.