Lần đầu tiên kể từ khi cuộc khủng hoảng sức khỏe bắt đầu, Bỉ sẽ phải vứt bỏ một lô lớn vaccine ngừa virus SARS-CoV-2. Theo xác nhận của Lực lượng đặc nhiệm tiêm phòng, 436.800 liều AstraZeneca sẽ hết thời hạn sử dụng vào ngày 31/5 tới. Vào tháng 7, nhiều khả năng sẽ thanh lý 90.000 liều Pfizer và 790.000 liều Moderna. Con số này đại diện cho hơn 1,3 triệu liều vaccine sẽ không bao giờ được sử dụng. Đến nay, tỷ lệ thất thoát ước tính khoảng 0,005%.
Tùy thuộc vào thương hiệu, vaccine được ủy quyền tại châu Âu có thể được bảo quản tối đa từ 6 đến 12 tháng. Nhưng Bỉ đã đặt số lượng nhiều hơn mức cần thiết với mong muốn đa dạng hóa nguồn cung cấp để không bị phụ thuộc vào một nhà cung cấp duy nhất. Do chiến dịch tiêm chủng đang chậm lại nên một nguồn dự trữ nhanh chóng được hình thành.
Một phần lớn trong số hàng dự trữ này (khoảng 9 triệu liều) được các cơ quan y tế giữ lại để tiêm chủng cho toàn bộ dân số nếu dịch bệnh bùng phát trở lại, vào mùa thu hoặc mùa đông. Tuy nhiên, trong trường hợp không có dịch bệnh, theo giới chức y tế, cần phải tính đến thời hạn sử dụng để không bị rơi vào tình trạng như khẩu trang.
Giao hàng bị hoãn tới mùa thu
Ủy ban châu Âu (EC) và các quốc gia thành viên đã cố gắng đàm phán để sửa đổi hợp đồng đã ký với BioNTech và Pfizer nhằm hạn chế thiệt hại. Cụ thể, hoãn việc giao hàng được lên kế hoạch cho tháng 6, tháng 7 và tháng 8 sang mùa thu hoặc thậm chí là mùa đông. Lịch sử cho thấy không nên tích lũy quá nhiều thuốc chưa sử dụng kịp mà nên xử lý chúng, nếu cần, các liều tăng cường mới được khuyến nghị.
Hôm 13/5, Ủy viên Y tế châu Âu, Stella Kyriakides, đã hoan nghênh sự linh hoạt này, đáp ứng những lo ngại chính đáng của Nhóm 27 về sự phù hợp giữa cung và cầu, đồng thời đảm bảo an ninh của nguồn cung cấp vaccine nếu cần phát sinh vào cuối năm. Hiện nay, các cuộc thảo luận đặc biệt đang được tiến hành với Moderna.
Sau đó, tùy thuộc vào mỗi quốc gia châu Âu để đàm phán song phương với các nhà sản xuất vaccine về sự thay đổi của hợp đồng. Đó là những gì mà các cơ quan y tế Bỉ đã và đang làm, một cách kín đáo, trong những tuần gần đây. Một thỏa thuận vừa được ký kết với Pfizer, nguồn cung cấp chính cho Bỉ. Việc giao hàng dự kiến sẽ bị đình chỉ trong suốt mùa hè. Không có bất kỳ một lượng Pfizer nào sẽ được giao cho Bỉ trong tháng 6, tháng 7 và tháng 8.
Từ tháng 9, đơn đặt hàng của Bỉ, với số lượng khoảng 23 triệu liều, sẽ tiếp tục hoạt động. Chỉ dưới 3,5 triệu liều sẽ được giao vào tháng 9; 3 triệu vào tháng 10 và chỉ hơn một triệu vào tháng 11. Đợt giao hàng cuối cùng của năm 2022 sẽ giảm xuống dưới 400.000 liều. Theo kế hoạch ở cấp châu Âu, Bỉ sẽ có các liều điều chỉnh cho phù hợp với biến thể omicron, nếu chúng được Cơ quan dược phẩm châu Âu (EMA) phê duyệt.
Covax không còn thiếu vaccine
Tuy nhiên, việc vứt bỏ những liều thuốc đã hết hạn sử dụng không phải là không thể tránh khỏi. Tất cả các nước giàu, bao gồm cả Bỉ, ngay từ đầu đã chỉ ra rằng họ sẽ cung cấp liều lượng dư thừa của họ cho các nước nghèo. Trong một vài tháng, và bất chấp những lời chỉ trích về hoạt động của nó, cơ chế đoàn kết quốc tế Covax đã cho phép Bỉ xử lý 13 trong số 28,5 triệu liều thuốc đã nhận được cho đến nay.
Điều đáng lo ngại là Covax không còn cần đến vaccine. Theo người phát ngôn của Liên minh vaccine (Gavi), Covax hiện có đủ liều để đáp ứng nhu cầu. Trước mắt, ưu tiên là “chuyển các liều vaccine thành tiêm chủng” và tăng tỷ lệ bao phủ ở các quốc gia "mong manh" nhất. Hiện 18 quốc gia vẫn chưa đạt tỷ lệ 10% dân số được tiêm chủng, con số này trong tháng 1 vẫn là 34%. Do đó, để bán lượng dự trữ ra nước ngoài, các nhà chức trách Bỉ buộc phải thảo luận trực tiếp với một số quốc gia có thể vẫn quan tâm.
Tháng trước, Pháp cũng phải vứt bỏ 3,6 triệu liều AstraZeneca. Hơn nữa, vào cuối tháng 3, một cuộc khảo sát được công bố trên tờ Le Monde chỉ ra rằng Nigeria đang biến thành thùng rác cho các loại vaccine hết hạn sử dụng từ khắp nơi trên hành tinh.