So với tuần trước, số lượng ổ dịch đã tăng gấp đôi từ 501 lên 874. Mặc dù con số này khá đáng lo ngại, nhưng AFSCA cho biết tình hình dịch bệnh diễn biến theo đúng dự đoán của các chuyên gia.
Bà Hélène Bonte, đại diện của AFSCA, giải thích: "Virus bệnh lưỡi xanh thường xuất hiện vào mùa hè khi thời tiết ấm áp và muỗi - vật trung gian truyền bệnh - hoạt động mạnh. Chúng tôi dự kiến dịch bệnh sẽ lắng xuống khi nhiệt độ giảm xuống dưới 10 độ C và muỗi không còn hoạt động".
Các tỉnh Antwerp, Liège và Limburg là những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nhất, với lần lượt 161, 133 và 129 ổ dịch. Tại vùng nói tiếng Pháp Wallonia, Namur ghi nhận 75 ổ dịch, Hainaut 52, Luxembourg 40 và Brabant Wallon 30. Ở vùng tiếng Hà Lan Flanders, số lượng ổ dịch lần lượt là 123 tại Đông Flanders, 117 tại Brabant Flanders và 14 tại Tây Flanders.
Cừu (485 trường hợp) và bò (382 trường hợp) là hai loài động vật bị nhiễm bệnh nhiều nhất. Ngoài ra, còn có 3 con dê và 4 con lạc đà Alpaca cũng mắc bệnh. AFSCA khuyến cáo các chủ trang trại tiêm phòng cho đàn vật nuôi để bảo vệ chúng khỏi bệnh lưỡi xanh.
Lưỡi xanh là một bệnh truyền nhiễm do virus gây ra ở động vật nhai lại, đặc biệt là cừu. Bệnh thường biểu hiện qua các triệu chứng như sốt, khó thở và lưỡi sưng tấy. Ở cừu, bệnh có thể gây tử vong.
Mặc dù Bỉ đã lâu không ghi nhận ca bệnh lưỡi xanh, nhưng một ổ dịch đầu tiên đã được phát hiện vào tháng 10/2023 tại một trang trại chăn nuôi cừu ở Merksplas, một đô thị thuộc tỉnh Antwerp.