Ca bệnh này trở về từ Kuwait và đã được ra khỏi khu cách ly sau khi có kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, kết quả xét nghiệm tại một phòng khám cho thấy người này đã mắc COVID-19.
Như vậy, tính đến nay, Bhutan ghi nhận tổng cộng có 113 người mắc COVID-19. Hiện đây vẫn là nước có số ca mắc COVID-19 thấp nhất ở Nam Á và chưa ghi nhận trường hợp nào tử vong.
Trong một tuyên bố, Chính phủ Bhutan nêu rõ nhà chức trách áp đặt lệnh phong tỏa trên phạm vi cả nước nhằm xác định và cách ly toàn bộ các ca dương tính với virus SARS-CoV-2, ngăn chặn nguy cơ lây lan trong cộng đồng. Tất cả mọi người dân đều được yêu cầu ở nhà để tự bảo vệ mình và gia đình khỏi dịch bệnh. Toàn bộ các trường học, cơ quan công sở, trung tâm thương mại sẽ vẫn phải đóng cửa, trong khi các kỳ thi bị hoãn lại.
Bhutan - quốc gia có nền kinh tế phụ thuộc chính vào du lịch, đã đóng cửa biên giới vào tháng 3 vừa qua, sau khi một du khách người Mỹ có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 và đã ra lệnh cách ly bắt buộc trong 3 tuần với những người trở về từ nước ngoài.
Lãnh thổ Bắc Australia duy trì các biện pháp phòng dịch đến năm 2022
Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, ngày 11/8, nhà chức trách Lãnh thổ phía Bắc Australia cho biết vẫn chưa thể mở cửa đón du khách trong 18 tháng tới nhằm bảo vệ người dân bản địa khỏi dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Phát biểu trên đài phát thanh và truyền hình ABC, Thủ hiến Lãnh thổ phía Bắc Australia Michael Gunner khẳng định sẽ kiểm soát đường biên giới cứng trong ít nhất 18 tháng tới và giới chức địa phương đang chuẩn bị nguồn lực để triển khai kế hoạch này.
Thống kê cho thấy hiện có khoảng 250.000 người đang sinh sống tại Lãnh thổ phía Bắc, 30% trong số này là cư dân bản địa. Người bản địa được cho là có nguy cơ mắc bệnh, trong đó có COVID-19, cao hơn do các yếu tố kinh tế - xã hội và tập quán văn hóa ảnh hưởng tới việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
Kể từ khi dịch bệnh bùng phát, Lãnh thổ phía Bắc chỉ ghi nhận một vài ca mắc COVID-19 và không có bất kỳ trường hợp nào tử vong. Vùng này hiện đóng cửa với bang Victoria và thành phố Sydney.
Cùng ngày, bang Victoria - bang đông dân thứ hai và hiện là "tâm dịch" của Australia, thông báo ghi nhận thêm 331 ca mắc COVID-19, tăng 9 ca so với một ngày trước đó. Mức tăng nhẹ này nhen lên hy vọng tình hình dịch bệnh tại đây đang ổn định sau khi xảy ra làn sóng lây nhiễm thứ hai, buộc nhà chức trách tái phong tỏa thành phố Melbourne.
Số ca nhiễm mới trong vòng 24 giờ tại Victoria lên mức cao nhất vào ngày 5/8, với 725 ca, và đang có xu hướng giảm dần trong những ngày gần đây, sau khi chính quyền tái áp đặt biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt tại Melbourne vào ngày 19/7.
Tuy nhiên, bang New South Wales lại ghi nhận số ca mới mắc COVID-19 cao nhất trong một ngày kể từ ngày 17/4, với 22 trường hợp. Khoảng 1/3 số ca bệnh mới có liên quan tới ổ dịch tại một trường học ở Tây Bắc thành phố Sydney. Hiện giới chức trách vẫn chưa xác định được nguồn lây bệnh tại ổ dịch này.
Trên phạm vi cả nước, Australia ghi nhận gần 22.000 ca mắc COVID-19, trong đó có 332 ca tử vong. Quốc gia này hiện cũng đã đóng cửa các đường biên giới, và chưa xác định được thời gian mở lại.
* Trong khi đó, Thủ tướng Papua New Guinea James Marape đang thúc đẩy kế hoạch nhằm dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa tại thủ đô Port Moresby, bất chấp số ca mắc COVID-19 tại đây tăng gấp đôi trong tuần qua. Phát biểu tại một cuộc họp báo, Thủ tướng Marape cho biết lệnh phong tỏa, kéo dài 2 tuần tại thủ đô Port Moresby, sẽ được dỡ bỏ kể từ ngày 12/8.
Papua New Guinea hiện ghi nhận tổng cộng 214 ca mắc COVID-19, trong đó có 3 ca tử vong.