Bệnh viện phụ sản Sudan chiến đấu cứu các sinh linh bé bỏng giữa loạn lạc

Bệnh viện nhỏ Al-Nada ở thành phố Omdurman, thủ đô Khartoum vẫn là một chiếc “phao cứu sinh”, luôn mở cửa để cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe thiết yếu bất chấp giao tranh diễn biến phức tạp.

Chú thích ảnh
Điều kiện vật chất khó khăn tại một cơ sở y tế ở "điểm nóng" Khartoum, Sudan. Ảnh: AFP

Khi một bệnh viện phụ sản ở thủ đô Khartoum của Sudan bị bắn phá, bà mẹ Esraa Hesbalrasoul đã nhanh chóng bế cặp song sinh sinh non trong lồng ấp và vội vã chạy ra ngoài trong cơn hoảng loạn. Không may mắn, chỉ có một em bé sống sót. Hesbalrasoul hiện chăm sóc đứa con còn lại trong một bệnh viện nhỏ ở thành phố Omdurman.

Nhiều cơ sở y tế đã bị pháo kích trong cuộc giao tranh nổ ra từ ngày 15/4 giữa các lực lượng trung thành với 2 vị tướng hàng đầu của Sudan.

Theo Liên hợp quốc (LHQ), trong xung đột, chỉ có 16% bệnh viện ở Khartoum hoạt động bình thường, khiến vô số sinh mạng gặp nguy hiểm.

Tuy nhiên, bệnh viện nhỏ Al-Nada ở thành phố Omdurman tại Khartoum vẫn là một chiếc “phao cứu sinh”, luôn mở cửa để cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe thiết yếu bất chấp diễn biến giao tranh phức tạp.

“Khi bệnh viện bị tấn công, chúng tôi được thông báo rằng phải sơ tán ngay lập tức. Không có xe cứu thương nên chúng tôi phải đưa các bé đi một cách tốt nhất có thể. Tuy nhiên, một bé đã tử vong vì thiếu oxy", Hesbalrasoul nói với hãng tin AFP.

LHQ ước tính có "219.000 phụ nữ mang thai ở Khartoum, bao gồm 24.000 phụ nữ dự kiến ​​sinh con trong những tuần tới". Al-Nada là một trong những cơ sở hiếm hoi mà họ có thể tìm đến.

Giám đốc bệnh viện, Mohammed Fattah al-Rahman, đặc biệt ghi nhận sự đóng góp nhiệt tình từ Hiệp hội Bác sĩ người Mỹ gốc Sudan (SAPA-USA), để cơ sở tiếp tục hoạt động, cứu sống được nhiều sinh linh bé bỏng.

Với số tiền viện trợ, chúng tôi đã có thể đỡ đẻ cho 500 ca sinh tự nhiên và sinh mổ, đồng thời tiếp nhận 80 trẻ", nhà quản lý nói với AFP.

Dưới cái nóng lên tới 40 độ C, bệnh viện không được trang bị điều hòa nhiệt độ. Chỉ có những chiếc quan trần đang chạy hết công suất để giảm bớt nắng nóng của mùa hè.

Khi giao tranh diễn ra ác liệt, cướp đi sinh mạng của hàng trăm người và làm bị thương hàng nghìn người khác, phần lớn nguồn lực y tế ít ỏi của Sudan đã được chuyển sang chăm sóc khẩn cấp cho những người bị thương trong chiến tranh.

Ông Rahman chia sẻ: “Không có dịch vụ sản khoa hay nhi khoa nào có thể hoạt động kể từ khi xung đột bùng nổ”. Điều đó có nghĩa là cặp vợ chồng người Sudan Fatima và chồng cô là Jaber không thể tìm được cơ sở nào để điều trị bệnh viêm màng não cho cậu con trai nhỏ cho đến khi họ đến bệnh viện Al-Nada.

Mặc dù nỗ lực cứu người song đội ngũ y bác sĩ bệnh viện Al-Nada lo ngại tình hình khó khăn sẽ sớm buộc họ phải dừng công việc mang ý nghĩa nhân văn này. Alaa Ahmed, một dược sĩ tại bệnh viện, cho biết: “Dự trữ thuốc của chúng tôi đang bắt đầu cạn kiệt. Nếu cứ tiếp tục thế này, mọi thứ sẽ sụp đổ. Rất nhiều người cần thuốc nhưng tiếc là tôi không thể đưa cho họ”.

Ngay cả trước khi nổ ra chiến tranh, phụ nữ và trẻ em tại Sudan luôn phải đối mặt với những mối đe dọa nguy hiểm ở Sudan. Theo Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc UNICEF, cứ 1.000 phụ nữ khi sinh con ở Sudan lại có 3 người qua đời, tỷ lệ cao gấp 8 lần so với con số ở nước láng giềng Ai Cập. Tổ chức này cho biết thêm cứ 1.000 trẻ em Sudan thì có 56 trẻ chết trước khi được 5 tuổi.

Bảo Hà/Báo Tin tức (Theo AFP)
AL nỗ lực tìm cách hỗ trợ giải quyết cuộc khủng hoảng ở Sudan
AL nỗ lực tìm cách hỗ trợ giải quyết cuộc khủng hoảng ở Sudan

Ngày 7/5, Hội đồng Liên đoàn Arab đã ban hành một nghị quyết về việc thành lập nhóm tiếp xúc cấp bộ trưởng Arab để liên lạc với các bên ở Sudan và các quốc gia có ảnh hưởng nhằm đạt được một giải pháp cho cuộc khủng hoảng ở quốc gia châu Phi này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN