Bên trong các mỏ khai thác than bất hợp pháp ở Indonesia

Ở tỉnh Nam Sumatra của Indonesia, hơn 700.000 ha đất đang được sử dụng cho hoạt động khai thác than bất hợp pháp. Đây là một công việc nặng nhọc, nguy hiểm nhưng có rất ít biện pháp đảm bảo an toàn.

Chú thích ảnh
"Penakil" là thuật ngữ địa phương để chỉ những người thợ mỏ. Ảnh: SCMP

Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, khi những tia nắng chói chang bắt đầu chiếu rọi, cũng là lúc những người thợ mỏ ở làng Darmo bắt đầu công việc của mình. Làng Darmo nằm ở huyện Muara Enim, tỉnh Nam Sumatra, là nơi có trữ lượng than đá lớn nhất Indonesia. Theo số liệu của Bộ Năng lượng và Tài nguyên Khoáng sản Indonesia, có hơn 77.000 ha than được nhượng quyền khai thác trong tổng số 1 triệu ha của tỉnh tại khu vực này.

Ở Nam Sumatra, chỉ có khoảng 13 mỏ than được cấp giấy phép hoạt động. Song với nguồn tài nguyên hàng triệu tấn than ở đây, các mỏ khai thác bất hợp pháp đã mọc lên như nấm. Hơn 700.000 ha đất đã được sử dụng để khai thác bất hợp pháp trên khắp tỉnh.

Mohammad Ripan, 56 tuổi, là một trong số trên 4.000 người ở huyện Muara Enim sinh sống phụ thuộc vào các mỏ khai thác bất hợp pháp này. Nó còn được gọi là “mỏ than cộng đồng”, được điều hành bởi cộng đồng cư dân địa phương và không được coi là hợp pháp. Ripan là một “penakil”, một thuật ngữ địa phương được sử dụng để mô tả thợ khai thác than theo cách thủ công.

Tại mỏ than Darmo, Ripan vung cuốc, đập than thành những mảnh nhỏ và cho vào bao tải. Anh cố gắng đạt mục tiêu đổ đầy than vào ít nhất 100 bao tải mỗi ngày. Nếu làm được số lượng này, người đàn ông có thể kiếm được khoảng 11 USD/ngày.

“Tôi kiếm được khoảng 0,11 USD mỗi bao và tôi đã làm việc này được 2 năm. Lúc đầu rất khó khăn nhưng sau một thời gian bạn sẽ quen với điều đó, anh nói.

Chú thích ảnh
Mỏ cộng đồng tại Darmo là một trong số khoảng 200 mỏ khai thác hoạt động không có giấy phép. Ảnh: SCMP

Tuy nhiên, một trong số 200 mỏ than cộng đồng ở khu vực, nơi Ripan làm việc, bị chính phủ coi là bất hợp pháp. Những mỏ than này thuộc quyền sở hữu của Hiệp hội Cộng đồng Than Muara Enim (Asmara), được điều hành bởi các cư dân cộng đồng địa phương chứ không phải là một công ty hợp pháp. Chúng hoạt động dưới sự cho phép của các chủ sở hữu đất có mỏ và lợi nhuận được chia cho nhiều người.  

"Than đá là món quà từ Thượng đế nên được mọi người, đặc biệt là những người sống trong các khu vực khai thác hưởng, không chỉ các tập đoàn", ông Herman Effendi, Chủ tịch Asmara, cho biết khi được hỏi tại sao những hoạt động bất hợp pháp này vẫn tồn tại.

Ông nói rằng hầu hết khách hàng của những mỏ khai thác than cộng đồng này là các nhà máy dệt, may mặc và sắt ở các vùng khác của Indonesia. Mỗi ngày cộng đồng khai thác Muara Enim có thể khai thác đầy 100 xe tải than, trị giá lên tới 42.000 USD.

Chú thích ảnh
Xe máy chở những bao than ra khỏi mỏ để đưa lên xe tải và bán cho các nhà máy. Ảnh: SCMP

Có khoảng 30-50 công nhân và lái xe làm việc tại các mỏ than này hàng ngày. Họ không khai thác vào ban đêm vì trời rất tối và không có thiết bị an toàn. Anh Ripan đến khu mỏ thường xuyên, 6 ngày/tuần. Do thời tiết quá nóng, ẩm ướt và ngột ngạt, anh thường không đeo khẩu trang.

"Nếu trời có gió và nhiều bụi, tôi đeo khẩu trang nhưng không đeo thường xuyên vì rất khó thở", Ripan nói và cho biết việc bị bỏng cũng là điều bình thường vì thợ mỏ thường xuyên phải đứng trên than đá giữa trời nắng gắt.

Năm 2019, 8 mỏ khai thác bất hợp pháp đã bị đóng cửa ở Nam Sumatra. Mặc dù chính phủ vẫn coi các mỏ than cộng đồng là bất hợp pháp ở Indonesia, nhưng mỏ ở Darmo vẫn tiếp tục hoạt động mà không bị cản trở.

“Tôi thừa nhận rằng đây là hoạt động khai thác bất hợp pháp. Nhưng tạ ơn Chúa, cho đến giờ vẫn chưa có ai báo cảnh sát vì điều đó”, Herman nói.

Theo Herman, trước khi mỏ than Darmo xuất hiện, tỷ lệ tội phạm trong khu vực đã tăng lên ở mức cao nhưng sau đó, tội phạm đã giảm xuống và cộng đồng đã có thể đáp ứng các nhu cầu cơ bản của mình.

Chú thích ảnh
Nằm xung quanh khu mỏ nơi Ripan làm việc, có khoảng 30 chiếc lều tạm bợ lợp mái bạt. Đây là nơi sinh sống của những người thợ mỏ và gia đình của họ. Ngoài ra còn có các quầy hàng bán đồ ăn giá rẻ, cà phê và đồ uống giải khát cho thợ mỏ. Các cửa hàng sửa xe cũng mọc lên gần các mỏ để sửa xe máy hoặc xe tải chở than. Ảnh: SCMP

Theo Venpri Sagara, Tổng giám đốc phụ trách vấn đề khai thác tại PT Bukit Asam, một công ty khai thác mỏ thuộc sở hữu nhà nước ở Muara Enim, trong luật pháp Indonesia, khai thác cộng đồng là một lĩnh vực khó có thể xác định là hợp pháp hay không. Ông cho biết không có quy định nào của bộ luật hình sự sử dụng thuật ngữ này một cách cụ thể, nhưng rõ ràng là các mỏ khai thác do cộng đồng địa phương quản lý ở huyện Muara Enim là bất hợp pháp.

“Những mỏ than này là bất hợp pháp vì chúng hoạt động mà không có giấy phép. Thực tế có những bên liên quan có quyền cấm các mỏ này hoạt động, như cơ quan cấp giấy phép kinh doanh khai thác", Venpri nói.

Chú thích ảnh
Một số thợ mỏ đã đưa gia đình của họ, bao gồm cả trẻ em, đến sống trong khu vực này. Ảnh: SCMP

Trong khi đó, giới chức huyện Muara Enim, Nasrun Umar, cho biết ông muốn hợp pháp hóa hoạt động này thông qua các hợp tác xã chính thức hoặc các doanh nghiệp thuộc sở hữu của làng.

Tương tự, Thống đốc tỉnh Nam Sumatra, Herman Deru, cho biết cả ông và Bộ Năng lượng và Tài nguyên Khoáng sản đều đang thúc đẩy hợp pháp hóa các mỏ than quy mô nhỏ ở huyện Muara Enim để các mỏ cộng đồng có thể hoạt động an toàn hơn, đặc biệt là sau trận lở đất hồi tháng 10/2020. 

Hải Vân/Báo Tin tức
Chuyên gia gợi ý cách chuẩn bị tâm lý cho trẻ nhỏ trước khi tiêm vaccine COVID-19
Chuyên gia gợi ý cách chuẩn bị tâm lý cho trẻ nhỏ trước khi tiêm vaccine COVID-19

Mỹ đã cho phép tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em từ 5-11 tuổi. Tuy nhiên, nhiều em nhỏ có thể sợ hãi do mắc chứng sợ kim tiêm. Các nhà tâm lý học và bác sĩ nhi tại Mỹ đã gợi ý một số cách để phụ huynh giúp con vượt qua nỗi sợ này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN