Chiến dịch tranh cử tổng thống Pháp nhiệm kỳ 2012 - 2017 đang ở vào giai đoạn nước rút trước khi diễn ra cuộc bầu cử vòng một ngày 22/4. Với 10 ứng cử viên cùng nhắm đến chiếc ghế chủ nhân Điện Élysée, cuộc đua tranh chủ yếu diễn ra giữa hai ứng cử viên hàng đầu là đương kim Tổng thống Nicolas Sarkozy thuộc đảng cánh hữu Liên minh vì phong trào nhân dân (UMP) và đối thủ chính François Hollande thuộc đảng cánh tả Xã hội (PS).
Hai ứng cử viên sáng giá trong cuộc bầu cử tổng thống Pháp: Nicolas Sarkozy (trái) và François Hollande. Ảnh: Internet |
Kết quả một cuộc thăm dò được đăng trên nhật báo Le figaro ngày 17/4 cho thấy, trong cuộc bầu cử vòng một sắp tới, 80% dành sự ủng hộ cho ứng cử viên Hollande, so với 78% có ý định bầu cho đương kim Tổng thống Sarkozy, 75% chọn bà Marine Le Pen, 71% ủng hộ ông Jean-Luc Mélenchon và hai ứng cử viên F. Bayrou và Eva Joly cùng được 50%.
Theo một số cuộc thăm dò dư luận gần đây, ông Mélenchon có khả năng vượt lên đối thủ Marine Le Pen để giành vị trí người về thứ ba ở vòng một, nhờ các khả năng “vượt trội” như khả năng hùng biện, lãnh đạo cánh tả cấp tiến, là hậu thuẫn của Đảng cộng sản (PCF)… Nhiều báo Pháp trong những ngày gần đây đã đánh giá tích cực những tư tưởng tiến bộ vì sự công bằng và bình đẳng xã hội của ứng cử viên Mélenchon.
Một cuộc tập hợp của cổ động viên PS ở Vincenne. Ảnh: Lê Hà (P/v TTXVN tại Pháp) |
Cả 10 ứng cử viên tham gia tranh cử lần này (so với 16 ứng cử viên trong cuộc bầu cử năm 2007 và 12 ứng cử viên trong cuộc bầu cử năm 2002) đều chủ trương khôi phục lại nền kinh tế của nước Pháp. Tuy nhiên, báo giới và dư luận Pháp chủ yếu tập trung vào cuộc đua giữa hai ứng cử viên nặng ký nhất: Tổng thống đương nhiệm Nicolas Sarkozy và ứng cử viên PS François Hollande
Để khôi phục nền kinh tế, Tổng thống Sarkozy đề nghị xem lại việc Pháp tham gia Hiệp định Shengen và thành lập “Buy European Act”. Ông đưa ra các mục tiêu “cân bằng ngân sách vào năm 2016” (giảm tỉ lệ thâm hụt ngân sách về 0% GDP) và tiến tới đạt thặng dư ngân sách vào năm 2017. Năm 2013, nước Pháp sẽ đạt tiêu chuẩn của Liên minh châu Âu (EU) về thâm hụt ngân sách dưới 3% GDP, giảm nợ công từ 85,8% năm 2011 xuống còn 80,2% năm 2017; giảm chi tiêu công từ 55,9% năm 2011 xuống còn 51,9% năm 2017.
Theo nhận định của giới phân tích, ông Sarkozy quyết định ra tranh cử khi đang gặp rất nhiều bất lợi, nhất là uy tín cá nhân đang giảm sút, kinh tế Pháp để mất mức xếp hạng tín nhiệm AAA, chính sách “thắt lưng buộc bụng” của chính phủ không nhận được sự ủng hộ của người dân, nhất là của các thành viên tổ chức công đoàn, tỷ lệ thất nghiệp trong 5 năm qua không giảm xuống 5% như cam kết mà lại tăng lên gần 10% vào cuối nhiệm kỳ của ông, trong đó phần lớn người thất nghiệp là thanh niên.
Hơn thế nữa, cuộc mít ting diễn ra tại quảng trưởng Concorde ngày 16/4, bị gọi là sự “vận động tranh cử tự sát” của Sarkozy khi ông thốt ra những lời nói bất lợi cho bản thân như: “Chúng ta vẫn chưa thất bại”…, lại càng làm cho ứng cử viên cánh hữu này thêm mất điểm. Câu nói trên cho thấy ông Sakozy có thể đã lường đến khả năng thất bại, song vẫn hy vọng vào sự may rủi. Thật tệ, khi Sarkozy nói “Hãy giúp đỡ tôi!”, vì tất cả các cử chi đều hiểu rằng “giúp đỡ” nước Pháp bằng "lá phiếu hữu ích” để tìm được người xứng đáng đứng đầu Điện Elysée giúp nước Pháp lấy lại vị trí của hình ảnh và vị trí, chứ không phải giúp một ứng cử viên nào đó. Những lới nói này của vị Tổng Thống đương nhiệm hoàn toàn trái với khẩu hiệu đưa ra tranh cử “Nước Pháp mạnh” và tỏ rõ dấu hiệu mệt mỏi của ứng cử viên cánh hữu trong “cuộc chiến” này.
Thực tế cho thấy, các cử tri từng đặt rất nhiều hy vọng vào hàng loạt chương trình hành động mà ông Sarkozy đưa ra cách đây 5 năm, nhưng đến nay họ đã vô cùng thất vọng.
Trong khi đó, trong lộ trình tranh cử của mình, ứng cử viên PS Hollande đưa ra những cam kết và chính sách ưu tiên khác nhau cho từng giai đoạn. Đầu tiên, ông cam kết giảm 30% lương của tổng thống và các thành viên chính phủ, soạn thảo hiến chương về đạo đức nghề nghiệp dành cho các thành viên chính phủ và nội các, tăng 25% trợ cấp đầu năm học cho học sinh, không tăng giá nhiên liệu trong vòng 3 tháng, đề nghị một điều ước mới về trách nhiệm, tăng trưởng và quản trị.
Trong giai đoạn tiếp theo, ông Hollande dự kiến trình Nghị viện chương trình ổn định và dự luật về chương trình ngân sách công nhiều năm, thực hiện cải cách thuế quan với một số quy định như áp mức thuế 75% với những người giàu có thu nhập trên 1 triệu euro/năm, đề ra các chính sách xã hội hướng ưu tiên việc làm cho lớp trẻ, người lớn tuổi, đấu tranh chống bất bình đẳng xã hội... Ông Hollande còn cam kết sẽ không để cho giới đầu cơ tài chính khuynh đảo kinh tế quốc gia và khu vực đồng euro. Ông muốn một hiệp định về ngân sách được phê chuẩn bằng việc bổ sung thêm hiệp ước phát triển.
Đặc biệt, đài RFI cho biết, ứng cử viên PS Hollande đang nhận được sự ủng hộ của Thủ tướng Vương quốc Bỉ, Elio Di Rupo. Ông Elio Di Rupo, một trong số ít các lãnh đạo chính phủ Xã hội ở châu Âu, đã nhận lời đến dự một trong hai cuộc mít tinh cuối cùng của ông François Hollande tại thành phố Lille, nằm cách biên giới Pháp - Bỉ có 5 km. Đây là một trong những “yếu tố có lợi” cho ứng cử viên PS này.
Nhìn chung, khung cảnh bầu cử năm 2012 đã có nhiều thay đổi, gây bất lợi cho ứng cử viên Sarkozy. Các cuộc thăm dò ý kiến hiện nay đều dự báo rằng, số cử tri Pháp không tới các điểm bỏ phiếu vào ngày 22/4 tới sẽ cao hơn rất nhiều so với các cuộc bầu cử vòng một năm 2007 (là 16,2 %) và năm 2002 (là 28,5 % theo công bố cuối tuần trước của IFOP - Viện điều tra dư luận và nghiên cứu thị trường hàng đầu tại Pháp). Cử tri Pháp vẫn đang rất phân vân trong lựa chọn giữa hai ứng viên “nặng ký” là ông François Hollande và ông Nicolas Sarkozy, bởi cả hai vẫn chưa đưa ra được một cương lĩnh thực sự thuyết phục.
Cho đến nay vẫn chưa có ứng cử viên nào đưa ra được một cái nhìn “tổng thể vừa tham vọng lại đáng tin cậy” và cũng chưa hề có câu trả lời nào được ghi nhận cho tương lai của khu vực đồng euro (Eurozone). Nhưng dù ứng cử viên nào thắng cử nhiệm kỳ tổng thống 2012 - 2017 sẽ phải đối mặt với món nợ công khổng lồ 1.690 tỷ euro, tương đương 85% GDP, số người thất nghiệp tính đến cuối năm 2011 đã lên đến 2,87 triệu người, chiếm gần 10% lực lượng lao động và là mức cao nhất trong 12 năm qua.
Lê Hà (P/v TTXVN tại Pháp)