Bầu cử tổng thống Belarus: Ông Lukashenko bước vào cuộc đua lần thứ bảy

Ngày 26/1, Belarus sẽ bước vào cuộc bầu cử tổng thống lần thứ bảy kể từ khi tách ra độc lập. Tổng thống đương nhiệm Alexander Lukashenko, người đã nắm quyền từ năm 1994, một lần nữa ra tranh cử, sau gần ba thập kỷ nắm quyền.

Chú thích ảnh
Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko tại cuộc họp ở Saint Petersburg, Nga ngày 29/1/2024. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo đài RT (Nga), mặc dù mùa bầu cử này tương đối bình lặng so với bối cảnh năm 2020 – khi nổ ra các cuộc biểu tình và bất ổn, cuộc bỏ phiếu ngày 36/1 đã thu hút sự chú ý đáng kể cả ở trong nước và quốc tế. Trọng tâm vẫn là sự hiện diện hạn chế của phe đối lập thân phương Tây, các yếu tố địa chính trị và các chính sách đang phát triển của Lukashenko.

Những ai tham gia tranh cử?

Ủy ban Bầu cử Trung ương (CEC) của Belarus đã đăng ký 5 ứng cử viên, bao gồm cả Tổng thống đương nhiệm Lukashenko, người trước đó từng ám chỉ rằng ông có thể sẽ từ chức sau nhiệm kỳ hiện tại. Tuy nhiên, quyết định tái tranh cử nhấn mạnh đến việc ông Lukashenko có thể tiếp tục nắm giữ hệ thống chính trị của đất nước.

"Tôi không bám víu vào quyền lực", ông Lukashenko nói trong chiến dịch tranh cử của mình. "Tôi sẽ làm mọi thứ để lặng lẽ và hòa bình chuyển giao nó cho thế hệ mới. Tôi hy vọng mình sẽ sống dưới một chính phủ mới".

Cương lĩnh tranh cử của ông nhấn mạnh các ưu tiên chính, gồm: Đảm bảo ổn định địa chính trị trong bối cảnh các mối đe dọa bên ngoài và cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine; Chống tham nhũng; Phát triển lực lượng vũ trang Belarus hiện đại; Xây dựng một nhà máy điện hạt nhân mới; Làm sâu sắc thêm quan hệ đối tác với Nga và Trung Quốc; Theo đuổi quan hệ bình thường hóa với các nước láng giềng và phương Tây.

Các ứng cử viên khác phần lớn đều đồng tình với các chính sách của ông Lukashenko, và chỉ có một số khác biệt nhỏ trong cương lĩnh của họ.

Trong đó, bà Anna Kanopatskaya, nghị sĩ đối lập 48 tuổi, đưa ra lựa chọn thay thế đáng chú ý nhất. Chiến dịch của bà tập trung vào việc xây dựng lại quan hệ với phương Tây, chuyển đổi sang chế độ cộng hòa nghị viện, tạo điều kiện cho người Belarus lưu vong trở về và giảm nhẹ hình phạt đối với những cá nhân bị truy tố trong chu kỳ bầu cử trước. Tuy nhiên, ảnh hưởng của bà Kanopatskaya vẫn còn hạn chế; trong cuộc bầu cử trước, bà chỉ giành được 1,67% số phiếu bầu.

Chú thích ảnh
Bà Anna Kanopatskaya, ứng cử viên tổng thống Belarus năm 2025. Ảnh: Sputnik Belarus

Một nhân vật khác là Oleg Gaidukevich, lãnh đạo của Đảng Dân chủ Tự do Belarus, từng ủng hộ mạnh mẽ ông Lukashenko trong quá khứ. Nền tảng chính sách của ông Gaidukevich là ưu tiên tăng cường quan hệ với Nga, đơn giản hóa thuế, hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và cải cách các quy trình bầu cử.

Sergey Syryankov, 41 tuổi, đại diện cho Đảng Cộng sản Belarus, có lập trường cứng rắn, bao gồm bãi bỏ giáo dục và chăm sóc sức khỏe tư nhân, quốc hữu hóa các ngân hàng, khôi phục các tượng đài thời Stalin và tăng cường năng lực quốc phòng.

Alexander Khizhnyak, lãnh đạo Đảng Cộng hòa Lao động và Công lý, thì né tránh chỉ trích hoặc ủng hộ công khai ông Lukashenko. Cương lĩnh của ông khá mơ hồ, với những lời hứa như "chúng ta sẽ đầu tư vào thanh niên" và "chúng ta sẽ làm cho chính quyền hiệu quả".

Chú thích ảnh
Alexander Khizhnyak, ứng cử viên tổng thống Belarus năm 2025. Ảnh: Telegram

Phe đối lập

Năm nay, phe đối lập thân phương Tây, được cho là lực lượng dẫn đầu các cuộc biểu tình sau cuộc bầu cử năm 2020, không có nhiều sự hiện diện trong chiến dịch này. Hầu hết các nhà lãnh đạo của phe này đều đang lưu vong, bao gồm cả bà Svetlana Tikhanovskaya, người vẫn tự gọi mình là "tổng thống đắc cử" của Belarus trong khi tích cực hợp tác với các chính phủ phương Tây.

Chiến lược của bà Tikhanovskaya tập trung vào việc làm suy yếu tính hợp pháp của cuộc bầu cử. Bà đã kêu gọi người dân Belarus kiềm chế bỏ phiếu và công bố sáng kiến ​​"Hộ chiếu Belarus mới" mang tính biểu tượng dành cho công dân lưu vong.

Tuy nhiên, ông Lukashenko đã cảnh báo rằng “an ninh sẽ được duy trì bằng mọi giá”, không để lại nhiều chỗ cho các hoạt động đối lập thân phương Tây trong biên giới Belarus.

Chú thích ảnh
Bà Sviatlana Tsikhanouskaya. Ảnh: Getty Images

Phản ứng quốc tế

Phản ứng toàn cầu đối với cuộc bầu cử ở Belarus phần lớn mang tính biểu tượng. Các quốc gia phương Tây, đặc biệt là Litva và Mỹ, đã chỉ trích quá trình này. Bộ Ngoại giao Mỹ đã ban hành cảnh báo cho công dân nước này, khuyên họ rời khỏi Belarus trong bối cảnh lo ngại về khả năng đóng cửa biên giới và các lệnh trừng phạt mới.

Ngược lại, các đồng minh của Minsk đã bày tỏ sự ủng hộ. Các quan sát viên từ Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS), Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (CSTO) và Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO) sẽ theo dõi cuộc bầu cử.

Chiến lược của Tổng thống Lukashenko

Không giống như bầu không khí bất ổn của năm 2020, khi các cuộc biểu tình làm rung chuyển Belarus, giai đoạn bầu cử hiện tại có vẻ ổn định hơn nhiều. Theo dữ liệu chính thức, tỷ lệ ủng hộ ông Lukashenko vượt quá 80%, do đó rất khó đưa đến vòng 2. Một chiến thắng sẽ kéo dài nhiệm kỳ tổng thống của ông cho đến năm 2030, củng cố thêm vai trò của ông là nhà lãnh đạo tại vị lâu nhất châu Âu.

Chìa khóa cho sự ổn định này là sự điều động khéo léo của ông Lukashenko trên sân khấu địa chính trị. Bằng cách thắt chặt mối quan hệ với Nga và Trung Quốc, ông đã bù đắp các lệnh trừng phạt của phương Tây và củng cố nền kinh tế Belarus. Lời hứa xây dựng một nhà máy điện hạt nhân mới và tăng cường năng lực quốc phòng của ông được sử dụng để nhấn mạnh cam kết đã tuyên bố của ông nhằm đảm bảo chủ quyền của Belarus trong một trật tự thế giới đang thay đổi nhanh chóng.

Điều thú vị là các sửa đổi hiến pháp được ban hành cách đây vài năm giới hạn tổng thống chỉ được hai nhiệm kỳ. Tuy nhiên, hạn chế này không áp dụng đối với Lukashenko, cho phép ông ra tranh cử vô thời hạn. 

Ý nghĩa địa chính trị

Đối với Nga, kết quả bầu cử tại Belarus là điều đã được dự đoán trước, nhưng ý nghĩa của của nó vẫn rất quan trọng. Sự lãnh đạo liên tục của Tổng thống Lukashenko đảm bảo sự ổn định của quan hệ đối tác Nhà nước Liên minh giữa Moskva và Minsk. Mối quan hệ này trở nên quan trọng hơn trong bối cảnh cuộc xung đột Ukraine, trong đó Belarus đóng vai trò là đồng minh chiến lược và trung tâm hậu cần cho các hoạt động của Nga.

Hiện tại, Tổng thống Alexander Lukashenko vẫn nắm quyền kiểm soát chặt chẽ, vạch ra lộ trình cho Belarus vượt qua thời kỳ hỗn loạn. Liệu tầm nhìn của ông đối với đất nước có phù hợp với nguyện vọng của người dân và nhu cầu của cộng đồng quốc tế hay không thì vẫn còn phải chờ xem. Tuy nhiên, điều chắc chắn là ngày Chủ Nhật 26/1 sẽ đánh dấu một chương khác trong sự nghiệp chính trị của nhà lãnh đạo tại vị nhất châu Âu.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo RT)
Hiệp định miễn thị thực Việt Nam - Belarus mở ra nhiều cơ hội hợp tác
Hiệp định miễn thị thực Việt Nam - Belarus mở ra nhiều cơ hội hợp tác

Ngày 8/12/2023, tại Hà Nội, thay mặt Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Belarus, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng và Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Belarus Evgeny Shestakov đã ký chính thức Hiệp định miễn thị thực cho người mang hộ chiếu phổ thông giữa Việt Nam và Belarus. Hiệp định chính thức có hiệu lực kể từ ngày 30/1/2025.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN