Làn sóng biểu tình bùng nổ sau khi cựu tổng thống Abdelaziz Bouteflika, 81 tuổi, người đã nắm quyền trong suốt 20 năm qua, có ý định tiếp tục tranh cử nhiệm kỳ thứ 5 vào cuối 2018. Người dân Algeria bất mãn vì cho rằng chính quyển của ông Bouteflika tham nhũng, quan liêu và không vực dậy được nền kinh tế, vốn chỉ dựa vào nguồn thu chính là dầu mỏ.
Dưới sức ép từ phía phong trào biểu tình, ông Bouteflika đã tuyên bố không tranh cử nhiệm kỳ 5 và từ chức. Tuy nhiên, động thái này đã quá muộn để chấm dứt làn sóng biểu tình phản đối chính phủ. Những người biểu tình yêu cầu "sự ra đi" của toàn bộ "hệ thống", những người mà họ cho là có liên quan đến cựu tổng thống và đòi thiết lập một nhà nước dân chủ, chống tham nhũng.
Biểu tình đã diễn ra liên tục với sự tham gia của hàng trăm, có lúc lên đến hàng triệu người. Phe biểu tình từ chối đối thoại với chính phủ về cuộc bầu cử tổng thống và khẳng định sẽ không chấp nhận tham gia bầu cử nếu như “không thay đổi chính quyền”. Những người này cho rằng cuộc bầu cử là "sự tiếp nối của hệ thống" khi các ứng viên thuộc chế độ của cựu Tổng thống Bouteflika vẫn còn nắm quyền.
Trong khi đó. với mục tiêu nhằm tháo gỡ thế bế tắc chính trị tại Algeria, Tổng thống tạm quyền Abdelkader Bensalah vẫn quyết tâm tổ chức bầu cử để thành lập chính phủ mới. Ủy ban bầu cử Algeria đã công bố danh sách 5 ứng cử viên tham gia tranh cử, trong đó có cựu Thủ tướng Abdelmadjid Tebboune; Chủ tịch Đảng Talie el Hourriyet, ông Ali Benflis; ông Abdelkader Bengrina; cựu Bộ trưởng Du lịch; và Chủ tịch Phong trào el-Bina và ông Abdelaziz Belaid, Chủ tịch Đảng Mặt trận Al-Moustakbel. Ứng cử viên thứ 5 là ông Azzedine Mihoubi, cựu Bộ trưởng Văn hóa và Tổng thư ký hiện tại của đảng Tập hợp Dân chủ Quốc gia (RND), một trong 3 đảng thuộc liên minh cầm quyền. Đảng Mặt trận giải phóng quốc gia (FLN) cầm quyền, đảng lớn nhất hiện nay, không đưa ứng cử viên ra tranh cử.
Trong chiến dịch tranh cử của mình, diễn ra từ ngày 17/11 đến 8/12, cam kết của các ứng viên tổng thống đều tập trung vào cải cách kinh tế, thành lập một chính phủ dân chủ, chống tham nhũng.
Chủ tịch của Mặt trận El Mostakbel, Abdelaziz Belaid nhấn mạnh nếu trúng cử, ông sẽ "thành lập một nền Cộng hòa mới theo hướng dân chủ và đưa Algeria thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị hiện nay".
Ứng cử viên Ali Benflis hứa sẽ thiết lập một hệ thống dân chủ với một hiến pháp mới nhằm giới hạn các đặc quyền của Tổng thống cũng như sẽ đảm bảo sự độc lập của nền tư pháp và tự do báo chí. Ứng cử viên Abdelkader Bengrina cam kết sẽ đưa Algeria thoát khỏi khủng hoảng và tăng cường sự thống nhất dân tộc.
Cựu Thủ tướng Abdelmadjid Tebboune khẳng định nếu đắc cử tổng thống, ông sẽ sửa đổi Hiến pháp, cải cách khung pháp lý về bầu cử, tăng cường quản trị tốt thông qua việc tách "giới kinh doanh ra khỏi chính trị" và đưa ra các cơ chế đảm bảo sự liêm chính của các quan chức nhà nước.
Ông Azzedine Mihoubi, ứng viên từ liên minh cầm quyền, cũng cam kết sẽ đưa ra các giải pháp đưa Algeria thoát khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay, tiến hành cải cách đất nước theo hướng dân chủ và tự do, đảm bảo an ninh và sự ổn định đất nước.
Theo nhận định của giới chuyên gia, chưa có ứng cử viên nào chiếm ưu thế vượt trội trong cuộc chạy đua lần này. Lúc đầu, cuộc bầu cử tổng thống lần này được nhận định là cuộc đấu giữa hai ứng cử viên là cựu Thủ tướng Abdelmadjid Tebboune và Ali Benflis, Chủ tịch Đảng Talie el Hourriyet. Tuy nhiên, trong những ngày cuối cùng của chiến dịch tranh cử, đảng FLN cầm quyền tuyên bố sẽ ủng hộ ứng viên Azzedine Mihoubi của RND.
Đây được xem là điều kiện thuận lợi cho ứng cử viên Mihoubi vì theo truyền thống, các ứng cử viên thắng cử thường cần nhận được sự ủng hộ của quân đội, lực lượng quyền lực nhất hiện nay và được cho là luôn ủng hộ các ứng cử viên đến từ liên minh cầm quyền. Quân đội tuyên bố giữ vai trò trung lập trong cuộc bầu cử và cam kết sẽ tham gia đảm bảo an ninh cho tiến trình lập pháp này.
Tuy nhiên, một thực tế là cho dù ứng cử viên nào thắng cử, liệu tiến trình thành lập chính phủ có được suôn sẻ khi cho đến thời điểm này, phe đối lập vẫn tuyên bố tẩy chay bầu cử. Cuộc bầu cử tổng thống ngày 12/12 có nguy cơ sẽ chứng kiến lượng cử tri đi bầu thấp kỷ lục do người biểu tình tẩy chay và tìm cách phá rối tiến trình lập pháp này.
Khủng hoảng chính trị tại Algeria là một bài toán khó, đặc biệt trong bối cảnh giải pháp đầu tiên của chính phủ không nhận được sự hưởng ứng tích cực từ lực lượng biểu tình. Trong bối cảnh làn sóng phản kháng không hề có dấu hiệu lắng dịu, cuộc bầu cử lần này được dự đoán diễn biến phức tạp và khó dự đoán.