Nghiên cứu thường niên của ứng dụng Facemoji Keyboard, do công ty công nghệ Trung Quốc Baidu phát triển, hé lộ rằng phần lớn emoji được người dùng gửi cho nhau đều bày tỏ các cảm xúc tích cực như cười, tình yêu và thương cảm.
Trong đó, “khuôn mặt với giọt nước mắt vui sướng” tiếp tục lập chuỗi 6 năm liên tiếp là emoji được sử dụng nhiều nhất của năm. Những biểu tượng được ưa thích khác bao gồm “cười lăn trên sàn nhà”, trái tim và bộ mặt thổn thức.
“Khuôn mặt cầu xin” với đôi mắt to long lanh và nũng nịu lần đầu tiên lọt vào top 10 biểu tượng “đắt hàng” nhất.
Nghiên cứu cũng chỉ ra các biểu tượng được sử dụng nhiều nhất trên những nền tảng mạng xã hội khác nhau. Bất ngờ rằng, emoji trái tim dường như ít xuất hiện trên các ứng dụng hẹn hò như Tinder, Hinge và Bumble. Tại đây, người dùng thường chọn bộ mặt “cười rớt mồ hôi” hoặc “khuôn mặt ửng hồng”.
Trên thực tế, emoji đã được lưu hành hơn 20 năm nay. Một họa sĩ Nhật Bản tên là Shigetaka Kurita đã phát minh các biểu tượng cảm xúc này vào cuối thập niên 1990. 176 biểu tượng gốc của ông đang được trưng bày tại Bảo tàng Nghệ thuật Đương đại ở New York, Mỹ.
Kể từ đó, nhu cầu sử dụng emoji đã bùng nổ khi điện thoại thông minh và liên lạc kỹ thuật số trở thành một phần không thể thiếu của cuộc sống hàng ngày. Người dùng hiện nay có thể lựa chọn khoảng 3.633 biểu tượng để biểu thị cảm xúc.
Gần 92% “dân số” trên mạng Internet sử dụng emoji. Báo cáo của Facemoji phát hiện rằng tỷ lệ sử dụng nhìn chung đang tăng lên. Năm ngoái, tổ chức Unicode Consortium chuyên phát triển emoji đã công bố thêm 37 biểu tượng mới, chủ yếu là các phản ứng trên khuôn mặt, cử chỉ tay và các biểu tượng về thiên nhiên, đồ ăn, thức uống.
Cách mọi người sử dụng emoji cũng rất khác biệt. Theo các nhà nghiên cứu tại Đại học Renmin Trung Quốc, emoji có thể cung cấp cái nhìn sâu sắc về cảm xúc của một người nào đó hoặc làm cho tin nhắn trở nên hấp dẫn hơn với người nhận.
Một người sẽ chọn biểu tượng cảm xúc tùy thuộc vào đặc điểm cá nhân, văn hóa, nền tảng đang sử dụng hay bối cảnh của tình huống. Ví dụ, theo nghiên cứu của Renmin, người dùng Trung Quốc có nhiều khả năng sử dụng biểu tượng cảm xúc tiêu cực hơn người dùng Tây Ban Nha.
Đại dịch là mối quan tâm của toàn thế giới trong năm qua và điều đó cũng ảnh hưởng đến người dùng biểu tượng cảm xúc.
Theo Facemoji Keyboard, việc sử dụng các biểu tượng cảm xúc liên quan đến COVID-19 - chẳng hạn như ống tiêm y tế, khuôn mặt đang xì mũi, bệnh viện và giấy vệ sinh - tiếp tục tăng vào năm 2021.
Ống tiêm đạt mức phổ biến cao nhất trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 5 năm ngoái khi ngày càng có nhiều người đủ điều kiện tiêm liều vaccine COVID-19 đầu tiên và thứ hai. Việc sử dụng biểu tượng đeo khẩu trang đã giảm đáng kể từ tháng 7, giảm 20% vào tháng 11.
Theo trang web Emojiall, biểu tượng cảm xúc được sử dụng nhiều nhất ở Trung Quốc là “khuôn mặt cười toát mồ hôi”. Nó cũng được người dùng tại các khu vực khác ưa thích và xếp thứ bảy trong báo cáo của Facemoji Keyboard.
Tại Italy, biểu tượng “bàn tay với các ngón chụm lại” có xu hướng biểu đạt sự bất đồng, thất vọng hoặc thiếu tin tưởng. Ở Trung Quốc, nó được dùng khi bạn muốn hỏi xin ai đó ít tiền.
Trái tim màu đỏ là biểu tượng được sử dụng nhiều thứ hai trên thế giới năm 2021.