Bão tuyết mùa đông khắc nghiệt ở Mỹ khiến thị trường khí hóa lỏng thêm khan hiếm

Cơn bão mùa đông khắc nghiệt đang càn quét ở Mỹ có thể làm gián đoạn nguồn cung từ Mỹ - một trong những nhà xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) hàng đầu, khiến thị trường vốn đã biến động mạnh về giá trong năm nay càng thêm khan hiếm.

Chú thích ảnh
Người dân dọn tuyết để mở đường đi tại Hamburg, bang New York (Mỹ) ngày 26/12/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo trang oilprice.com, lốc xoáy vùng cực ở Mỹ đã khiến hàng triệu hộ gia đình bị gián đoạn nguồn cung điện và làm gián đoạn kế hoạch đi lại của hàng triệu người do hàng nghìn chuyến bay bị hủy. Ngay trước kỳ nghỉ lễ Giáng sinh cuối tuần, gần 250 triệu người dân Mỹ và Canada đã bị ảnh hưởng bởi cơn bão, trong đó hàng chục người thiệt mạng.

Mỹ đã ban hành cảnh báo về “đóng băng cứng” cho tất cả các bang dọc theo duyên hải Vịnh Mexico của Mỹ như Texas, Louisiana, Alabama và Florida. Đóng băng cứng xảy ra khi nhiệt độ giảm xuống -2 độ C hoặc thấp hơn trong một thời gian dài, giết chết hầu hết các loại cây trồng.

Mặc dù lưới điện bang Texas cố gắng tránh được những sự cố thảm khốc trong cơn bão, nhưng các đơn vị vận tải biển cảnh báo có thể xảy ra gián đoạn giao thông trên các tuyến đường thủy phục vụ trạm xuất khẩu LNG lớn nhất tại Sabine Pass.

Nhiệt độ đóng băng cho đến ít nhất ngày 26/12 (giờ Mỹ), có thể trì hoãn hoặc làm ngừng các dịch vụ hoa tiêu cho tuyến Đường thủy Sabine-Neches phục vụ Sabine Pass.

Ngoài ra, tàu đã ngừng cập cảng Corpus Christi ở Texas do thời tiết mùa đông khắc nghiệt. Do đó, lưu lượng tàu đến cơ sở xuất khẩu LNG tại Corpus Christi có thể bị ảnh hưởng.

Cơn bão mùa đông ở Mỹ dịp cuối năm có thể là sự kiện cực đoan mới nhất ảnh hưởng đến thị trường LNG toàn cầu trong năm nay.

Mới tuần trước, một vụ hỏa hoạn tại cơ sở xuất khẩu LNG nổi Prelude ngoài khơi Australia đã buộc nhà điều hành Shell phải ngừng sản xuất, chỉ ba tháng sau khi Prelude hoạt động trở lại sau một vụ kiện kéo dài hàng tháng tại FLNG.

Australia cũng là một trong những nhà xuất khẩu LNG hàng đầu thế giới cùng với Mỹ và Qatar, nhưng chính LNG của Mỹ đã giúp châu Âu tích trữ khí đốt đủ trước mùa đông này.

Mỹ đã vận chuyển khối lượng LNG kỷ lục đến châu Âu để giúp đỡ các nước Liên minh châu Âu (EU) và khoảng 70% tổng lượng xuất khẩu LNG của Mỹ đã được đưa đến châu Âu trong những tháng gần đây.

Giá LNG đã tăng kỷ lục vào đầu năm nay khi châu Âu đang chạy đua để dự trữ nhiên liệu này trước mùa đông. Việc EU khuyến khích ngừng phụ thuộc khí đốt Nga và tìm nguồn thay thế đã khiến châu Âu trở thành điểm đến ưa thích của LNG theo hợp đồng linh hoạt, đặc biệt là LNG từ Mỹ.

Theo ước tính từ Viện Nghiên cứu Năng lượng Oxford (OIES), từ tháng 1 đến tháng 11, nhập khẩu LNG vào EU và Anh cộng lại đã tăng 65% so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ riêng nhập khẩu từ Mỹ đã tăng 176%, trong khi nhập khẩu từ các nguồn khác tăng 27%. Trong cùng thời gian đó, xuất khẩu LNG toàn cầu chỉ tăng 5,5%, trong đó gần một nửa mức tăng trưởng đến từ Mỹ.

Các nhà phân tích và các công ty trong ngành cho biết, năm tới, châu Âu sẽ cần nhiều nguồn cung LNG hơn nữa để bù đắp khi Nga không xuất khẩu hoặc xuất khẩu ít năng lượng qua đường ống.

Đầu tháng này, nhà giao dịch hàng hóa Trafigura cho biết do tình hình sụt giảm vận chuyển khí đốt qua đường ống dẫn của Nga, châu Âu sẽ cần khối lượng khổng lồ LNG vào năm tới, đồng thời cho biết thêm họ dự kiến thị trường khí đốt tự nhiên và LNG sẽ tiếp tục biến động.

Trafigura nhận định: “Mặc dù châu Âu nên tránh mất điện vào mùa đông này bằng cách sử dụng năng lượng tích trữ và cắt giảm nhu cầu, nhưng họ sẽ cần nhập khẩu một lượng lớn LNG vào năm 2023 do dòng chảy từ Nga giảm mạnh”.

Theo Trafigura, giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu sẽ phải duy trì ở mức cao thì châu lục này mới có thể tiếp tục thu hút hầu hết các lô hàng LNG để cạnh tranh với các khu vực có nhu cầu cao khác. Trafigura dự báo châu Âu sẽ ưu tiên đảm bảo nguồn cung cho đến mùa đông tới và sau đó nữa.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Mỹ: Băng tuyết phủ trắng nhiều bang, số người thiệt mạng tăng mạnh
Mỹ: Băng tuyết phủ trắng nhiều bang, số người thiệt mạng tăng mạnh

Do ảnh hưởng của bão tuyết, thị trưởng Selma, bang Alabama đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp vì thành phố quan ngại sẽ cạn kiệt nước. Trên phạm vi toàn nước Mỹ, tổng số người thiệt mạng đã tăng lên 47.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN