Ông Novak nói rằng Nga ước tính có thể chuyển 21 tỷ mét khối khí đốt thiên nhiên hóa lỏng (LNG) đến châu Âu trong năm 2022. Phó Thủ tướng Novak nêu rõ: “Trong năm nay, chúng tôi có thể tăng cường đáng kể nguồn cung LNG đến châu Âu. Với 11 tháng năm 2022, đã tăng đến 19,4 tỷ mét khối và đến cuối năm dự kiến là 21 tỷ mét khối”.
Ông Novak đồng thời đề cập rằng Moskva đang thảo luận bổ sung nguồn cung khí đốt qua Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoài ra, ông Novak cho biết Nga đã thống nhất với Azerbaijan tăng nguồn cung khí đốt cho tiêu thụ nội địa của nước này. Theo ông, trong tương lai khi Azerbaijan tăng khai thác khí đốt, hai nước có thể thảo luận hoán đổi.
Nga cũng trong quá trình thảo luận tăng nguồn cung khí đốt đến Kazakhstan và Uzbekistan. Ông Novak cũng cho biết về dài hạn, Nga có thể cung cấp khí đốt tự nhiên của nước này cho thị trường Afghanistan và Pakistan.
Hãng TASS ngày 25/12 trích lời ông Novak: “Thị trường châu Âu vẫn liên quan, tình trạng thiếu khí đốt dai dẳng và chúng ta có cơ hội để nối lại việc cung cấp. Ví dụ là đường ống Yamal-châu Âu vốn bị ngưng lại vì lý do chính trị, vẫn chưa được sử dụng”.
Đường ống Yamal-châu Âu thường chảy hướng đến phía Tây, nhưng hầu như đã đổi chiều kể từ tháng 12/2021 khi Ba Lan từ chối mua khí đốt của Nga.
Trong một diễn biến khác, Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 22/12 tuyên bố nước này có quyền không tuân thủ các hợp đồng khí đốt nếu giá trần do các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) áp đặt vi phạm các hợp đồng này.
EU đã nhất trí áp giá trần đối với dầu thô xuất khẩu bằng đường biển của Nga ở mức 60 USD/thùng theo đề xuất của Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7). Biện pháp này bắt đầu có hiệu lực từ ngày 5/12.