Dẫn lời 4 quan chức giấu tên, tờ Politico đưa tin giới chức quyền lực của NATO đang gấp rút tổ chức các cuộc đàm phán để hoàn tất thỏa thuận về tuyên bố an ninh cho Kiev. Tuyên bố này sẽ tạo ra một “chiếc ô” cho tất cả các quốc gia sẵn sàng cung cấp viện trợ quân sự liên tục cho Ukraine. Chi tiết về các cam kết an ninh của các quốc gia ninh có thể khác nhau.
Theo nguồn tin, Mỹ, Anh, Pháp và Đức đã thảo luận với các nhà lãnh đạo Ukraine trong nhiều tuần và đã “tiếp cận” với các đồng minh khác trong NATO, Liên minh châu Âu và G7, về vấn đề này. Mục đích của 4 quốc gia này là công bố thỏa thuận khung tại hội nghị thượng đỉnh với hy vọng các thành viên khác trong khối sẽ cùng tham gia cam kết đảm bảo an ninh cho Kiev.
Thỏa thuận này có thể được trình bày trước toàn khối khi Hội nghị thượng đỉnh NATO diễn ra và tuần này ở Vilnius (Litva). Sự kiện kéo dài trong hai ngày 11 – 12/7.
Tổng thống Volodymyr Zelensky đã bày tỏ mong muốn nhận được “lời mời” gia nhập NATO trong hội nghị thượng đỉnh của liên minh sắp tới. Tuy nhiên, nhiều thành viên của khối cho biết họ không thể chấp thuận kết nạp Kiev ít nhất cho đến khi xung đột với Nga kết thúc. Trong đó, giới chức Đức đã từ chối đưa ra bất kỳ đảm bảo nào cho Ukraine về tư cách thành viên trong tương lai, do lo ngại động thái này có thể gây xung đột trực tiếp với Nga.
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, Tổng thống Mỹ Joe Biden nói rằng thay vì cam kết trở thành thành viên NATO, Washington sẵn sàng đảm bảo an ninh cho Ukraine tương tự như đảm bảo an ninh cho Israel.
Theo tờ Politico, giới chức trong chính quyền của Tổng thống Joe Biden và Thủ tướng Anh Rishi Sunak sẽ cố gắng giải quyết chi tiết của thỏa thuận tại cuộc họp ở London ngày 10/7. Về cơ bản, các đồng minh có thể cam kết tiếp tục viện trợ cho Ukraine.
“Về cơ bản, đó là một đảm bảo với Ukraine rằng trong một thời gian rất dài sắp tới, chúng tôi sẽ trang bị vũ khí, cung cấp tài chính, huấn luyện cho Kiev, để họ có một lực lượng răn đe có thể đối phó với mọi mối đe dọa trong tương lai”, một nhà ngoại giao cấp cao giấu tên của NATO cho biết.
Trong diễn biến liên quan, những ngày gần đây, các nhà lập pháp Mỹ đã tranh cãi về triển vọng gia nhập NATO của Ukraine. Nhiều thành viên đảng Cộng hòa tại Hạ viện và Thượng viện đã lập luận rằng việc chấp thuận Ukraine gia nhập liên minh sẽ khiến an ninh của người Mỹ bị đe dọa vì có thể gây ra một cuộc xung đột thảm khốc với Nga.
Về phần mình, Điện Kremlin nhiều lần tuyên bố việc NATO mở rộng là một trong những mối đe dọa an ninh nghiêm trọng, buộc Nga phải phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Hôm 3/7, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cảnh báo Moskva bị “đe dọa” bởi khả năng Ukraine gia nhập NATO. Ông cho biết Nga luôn yêu cầu duy nhất một điều - chú ý đến các mối quan ngại của Moskva và không mời các vùng lãnh thổ cũ của đất nước gia nhập NATO
“Đặc biệt là với những nước mà chúng tôi có tranh chấp lãnh thổ. Do đó, mục tiêu của chúng tôi rất đơn giản - loại bỏ mối đe dọa về tư cách thành viên của Ukraine trong NATO”, ông Medvedev nói.