Theo báo cáo của Văn phòng kiểm toán Chính phủ Mỹ, mỗi năm, thương vong do súng đạn khiến khoảng 30.000 người Mỹ phải nằm viện, mỗi người điều trị trung bình hết khoảng 31.000 USD, chưa kể khoảng 50.000 lượt cấp cứu, với mỗi lượt tốn kém trung bình khoảng 1.500 USD,
Trong khi đó, báo cáo khoa học của Đại học Harvard vừa được công bố cũng cho thấy chi phí y tế liên quan tới các vụ bạo lực súng đạn (không thiệt mạng) tại Mỹ đã tăng gấp 4 lần trong thời gian gần đây, bao gồm những chi phí chi trả cho các nạn nhân điều trị thường xuyên vì trải qua những sang chấn tâm lý, hội chứng ám ảnh rất lâu sau khi vụ việc xảy ra. Nhiều thành viên gia đình nạn nhân cũng phải điều trị để vượt qua khủng hoảng tinh thần.
Gánh nặng tài chính cho khoản chi phí y tế này được chi từ tiền thuế của dân bởi có tới 96% khoản chi này được bảo hiểm chính phủ chi trả. Thế nhưng con số đó là chưa tính đến những thiệt hai gián tiếp khác mà nạn nhân hay người nhà của họ phải chịu, ví dụ như phải nghỉ việc không lương hoặc mất khả năng lao động, hoặc không thể làm việc với năng suất và cường độ lao động như trước.
Kết quả nghiên cứu của tổ chức vận động kiểm soát súng đạn có tên là Everytown for Gun Safety vừa đưa ra trong tuần này cũng cho thấy thiệt hại về kinh tế trực tiếp và gián tiếp từ các vụ bạo lực súng đạn của Mỹ lên tới 557 tỷ USD mỗi năm, bao gồm cả chi phí chi cho cảnh sát xử lý vụ việc, tiến hành điều tra, các dịch vụ cần thiết liên quan và chi phí y tế liên quan trong suốt thời gian điều trị của bệnh nhân, cũng như chi phí đền bù thu nhập cho những nạn nhân bị mất khả năng lao động. Trong tuần này, Ủy ban kinh tế Quốc hội Mỹ sẽ thảo luận, tìm kiếm giải pháp tốt nhất để giảm thiểu thiệt hại tài chính từ các vụ bạo lực súng đạn.