Bạo lực leo thang ở Baranh

Ngày 16/3, nhà chức trách Baranh đã ban bố lệnh giới nghiêm trong thời gian từ 16 giờ hôm trước đến 4 giờ hôm sau tại Quảng trường Pearl và trung tâm tài chính ở thủ đô Manama.

Phát biểu trên kênh truyền hình quốc gia, người phát ngôn của quân đội Baranh cho biết, lệnh giới nghiêm có hiệu lực từ ngày 16/3 cho đến khi "có thông báo khác". Các hoạt động tụ tập, diễu hành và biểu tình ngồi cũng bị cấm trên khắp quốc gia Vùng Vịnh này. Quyết định trên được đưa ra chỉ một ngày sau khi Quốc vương Baranh Hamad ban bố lệnh tình trạng khẩn cấp, có hiệu lực ngay lập tức và kéo dài trong vòng ba tháng.

Cũng trong ngày 16/3, hàng trăm cảnh sát chống bạo động đã bắn đạn hơi cay nhằm trấn áp những người biểu tình thuộc phe đối lập tại Quảng trường Pearl. Hãng AFP (Pháp) dẫn nguồn tin từ Baranh cho biết đã có ít nhất 3 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương trong vụ bạo động này.

Khói đen bao trùm quảng trường Pearl ở thủ đô Manama trong vụ bạo động ngày 16/3. Ảnh: AFP - TTXVN


Hàng nghìn người đã biểu tình trước cửa Đại sứ quán Arập Xêút tại Manama để phản đối việc Quốc vương Hamad đề nghị các nước trong Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) - gồm 6 thành viên là Arập Xêút, Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất, Baranh, Côoét, Ôman và Cata – đưa quân vào Baranh nhằm giúp Manama giải quyết các cuộc xung đột đang có xu hướng gia tăng. Những người biểu tình thề bảo vệ đất nước trước sự “chiếm đóng” từ bên ngoài, đồng thời kêu gọi đoàn kết giữa hai cộng đồng người Shiite chiếm đa số và Sunni chiếm thiểu số nhưng nắm quyền điều hành đất nước trong suốt hơn 200 năm nay.

Phản ứng trước tình hình trên, nước láng giềng Iran cho rằng sự can thiệp quân sự vào Baranh là không thể chấp nhận được. Còn Mỹ một mặt kêu gọi các nước Vùng Vịnh tôn trọng quyền của người dân Baranh, mặt khác lại cho rằng sự triển khai quân đội nước ngoài ở nước này không phải là hành động xâm lược.

G8 từ bỏ đề xuất can thiệp quân sự vào Libi

Trong khi đó tại Libi, giao tranh vẫn tiếp diễn giữa lực lượng trung thành với Tổng thống Moamer Kadhafi và lực lượng nổi dậy. Ngày 16/3, lực lượng ủng hộ ông Kadhafi đã không kích và bắn đạn pháo vào lực lượng nổi dậy tại thành phố chiến lược Ajdabiya ở miền đông. Nếu "thành trì" này đổ, lực lượng trung thành với ông Kadhafi sẽ có thể tấn công Benghazi, thành phố lớn thứ hai của Libi và là thủ đô tự xưng của lực lượng chống đối, bằng cả đường không, đường biển và đường bộ.

Liên quan tới khủng hoảng chính trị tại Libi, ngày 16/3, Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G8) đã từ bỏ đề xuất can thiệp quân sự nhằm chấm dứt bạo lực tại Libi, đồng thời kêu gọi LHQ gia tăng sức ép đối với chính quyền của Tổng thống Kadhafi bằng những biện pháp trừng phạt kinh tế cứng rắn hơn. Tuyên bố chung được đưa ra sau cuộc họp các ngoại trưởng G8 ở Pari (Pháp) nhấn mạnh: “HĐBA LHQ nên gia tăng áp lực, bao gồm cả việc thông qua các biện pháp kinh tế, để buộc ông Kadhafi phải ra đi”.

Mỹ cùng ngày đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Ngoại trưởng Libi Mussa Kussa cùng 16 công ty quốc doanh của nước này. Ngoại trưởng Kussa, từng là người đứng đầu Cơ quan tình báo Libi, đã bị áp đặt các lệnh trừng phạt theo sắc lệnh của Tổng thống Mỹ Barack Obama nhằm vào các quan chức cấp cao của chính phủ Libi.

Hãng thông tấn ANSA của Italia đưa tin, ngày 16/3, Tổng thống Kadhafi tuyên bố làn sóng biểu tình chống chính phủ ở Libi tất sẽ bị thất bại, đồng thời dọa sẽ thành lập một liên minh với Al-Qaeda nếu các chính phủ phương Tây ra lệnh tiến hành xâm lược Libi.

Minh Hạnh (tổng hợp)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN