Báo Kommersant: Lo ngại an ninh, đội ngũ của Tổng thống Nga Vladimir Putin bỏ dùng iPhone

Các quan chức trong văn phòng tổng thống Nga đã được yêu cầu loại bỏ các thiết bị Apple vì lo ngại về an ninh mạng.

Chú thích ảnh
Thay vì các thiết bị của Apple chạy bằng hệ điều hành iOS, các nhân viên chính phủ Nga được yêu cầu chuyển sang điện thoại chạy hệ điều hành Aurora của Nga. Ảnh minh họa: Getty Image

Theo nhật báo Kommersant, các quan chức phụ trách chính sách đối nội của chính quyền Tổng thống Nga Vladimir Putin đã được yêu cầu bỏ dùng iPhone trong tháng 3 này. Tờ báo cho biết quyết định được đưa ra do Nga đánh giá xuất hiện nguy cơ gián điệp phương Tây.

Các nguồn tin của Kommersant cho biết đây là lệnh từ Phó Tham mưu trưởng Sergey Kirienko – người giám sát một số phòng ban trong văn phòng tổng thống phụ trách chính sách đối nội. Tờ báo đưa tin lệnh cấm cũng sẽ áp dụng với các quan chức địa phương.

Khi được hỏi về thông tin, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov từ chối xác nhận hay bác bỏ. Tuy nhiên, ông Peskov nhấn mạnh các quan chức không được phép sử dụng điện thoại thông minh vì mục đích công việc. Người phát ngôn chỉ ra bất kỳ thiết bị nào như điện thoại thông minh, dù dùng hệ điều hành gì, đều không đủ an toàn để xử lý thông tin mật.

Apple tự hào về khả năng bảo mật đạt được nhờ những hạn chế nghiêm ngặt về những gì người dùng có thể làm với các thiết bị và những chương trình nào có thể chạy trên chúng. Tuy nhiên, sự nổi tiếng của thương hiệu này cũng khiến các thiết bị trở thành mục tiêu nghiên cứu lỗ hổng để truy cập lén.

Thay vì các thiết bị của Apple chạy bằng hệ điều hành iOS, các nhân viên chính phủ được yêu cầu chuyển sang điện thoại chạy hệ điều hành Android, phần mềm Trung Quốc hoặc hệ điều hành Aurora của Nga. Hệ điều hành Aurora được phát triển từ năm 2016 và bắt nguồn từ hệ điều hành Sailfish dựa trên Linux.

Chuyên gia an ninh mạng Natalya Kaspersky nhận định điện thoại thông minh được thiết kế như một thiết bị gián điệp. Thông tin có thể được thu thập, lưu trữ và chuyển đến nơi khác. Tuy nhiên, nếu sử dụng các thiết bị điện tử ít quen thuộc hơn với những kẻ tấn công, an toàn của người dùng sẽ được cải thiện.

“Một thiết bị càng có nhiều thành phần của Nga thì càng ít có nguy cơ rò rỉ thông tin cho các quốc gia thù địch. Về vấn đề đó, một hệ điều hành nội địa sẽ có lợi hơn một hệ điều hành nước ngoài”, Kaspersky kết luận.

Các quốc gia phương Tây hiện đã có những lệnh cấm đối với TikTok - một nền tảng chia sẻ video phổ biến thuộc sở hữu của một công ty Trung Quốc. Trong một vài tuần trở lại đây, các cơ quan chính phủ ở một số quốc gia đồng minh của Mỹ đã cấm cài đặt ứng dụng này trên thiết bị của nhân viên do lo ngại rủi ro an ninh mạng.

Bảo Hà/Báo Tin tức (Theo RT)
Xung quanh việc TikTok bị cấm tại nhiều nước
Xung quanh việc TikTok bị cấm tại nhiều nước

Hiện nhiều quốc gia trên thế giới và Liên minh châu Âu (EU) đã ban bố lệnh cấm cài đặt ứng dụng TikTok trên các thiết bị thuộc sở hữu cơ quan nhà nước và chính phủ do lo ngại về vấn đề an ninh từ ứng dụng này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN