Tối 30/8, sau khi nhận được một cuộc gọi khẩn cấp, cảnh sát ngay lập tức tìm đến nhà của chị Kazuya Ogawa tại Osaka. Họ bàng hoàng khi phát hiện 3 nạn nhân nằm trên sàn với những vết đâm nghiêm trọng. Hai cô con gái Risa 5 tuổi và Juri 3 tuổi đã được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện nhưng không qua khỏi, còn người mẹ 40 tuổi phải trải qua quá trình điều trị vết thương do dao đâm và hiện trong tình trạng ổn định.
Sau khi điều tra, cảnh sát không thấy dấu hiệu của người lạ vào nhà và không có tài sản nào bị đánh cắp, họ kết luận rằng chính người mẹ đã đâm hai con nhỏ đến chết và sau đó tự tử. Nhà chức trách cho biết họ đang chờ người phụ nữ hồi phục để thẩm vấn cô.
Đây chỉ là 1 vụ việc thương tâm trong một loạt các vụ cha mẹ trẻ làm hại con cái ngày càng gia tăng trên khắp Nhật Bản.
Vào 2/9, cảnh sát tại thị trấn Eiheiji-cho, quận Fukui đã bắt giữ bà Yoko Nakagawa (46 tuổi) vì tội danh giết chết con gái 13 tuổi của mình bằng cách siết cổ. Cảnh sát cũng tìm thấy thi thể của chồng bà Nakagawa, ông Makoto trong tư thế treo cổ tự tử. Sau đó, bà Nakagawa khai nhận với cảnh sát rằng hai vợ chồng mình đã lên kế hoạch tự sát sau khi giết Maki nhưng bà không thể làm được.
Năm ngày sau, một vụ việc tương tự cũng xảy ra tại quận Saitama khi một người mẹ là cô Junna Fukazawa (36 tuổi) đâm chết 2 con gái khi chồng cô đi vắng, đứa lớn 4 tuổi và đứa em chỉ mới 3 tuổi.
Theo một báo cáo từ phương tiện truyền thông, Fukazawa khai với cảnh sát rằng mình chán sống và cảm thấy rất buồn vì không thể mang lại cho con một cuộc sống tốt.
Vào 15/9, một bé gái 7 tuổi đã bị chính mẹ ruột đâm chết trong phòng ngủ tại nhà riêng ở Inagawa, quận Hyogo. Nạn nhân Juri Iwaura bị đâm nhiều nhát vào cổ, trong khi đó, mẹ đứa bé đã được tìm thấy trong tình trạng bất tỉnh, bị thương ở bụng nằm trên sàn nhà bên cạnh con gái cùng một con dao dính máu.
“Đó là những vụ việc nghiêm trọng”, ông Fujiko Yamada, người thành lập Trung tâm phòng chống ngược đãi trẻ em nói và cho biết nhiều vụ việc tương tự đang gia tăng một cách khó hiểu.
Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc) dẫn nguồn báo cáo từ Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Nhật Bản hồi tháng 3 cho biết các trung tâm trợ giúp trẻ em trên khắp Nhật Bản đã nhận được 80.252 báo cáo về tình trạng bạo hành trong năm 2018 - năm thứ 14 liên tiếp con số này tăng lên kể từ khi được đối chiếu lần đầu tiên vào năm 2004 – năm không có số liệu thống kê nào về các vụ cha mẹ làm hại con mình.
Tổng cộng có đến 1.394 vụ việc bạo hành kéo dài trong suốt 1 năm qua, trong đó có 36 đứa trẻ đã chết. Cả hai con số này đều tăng 20% so với năm trước và lập kỷ lục cao chưa từng thấy.
“Có nhiều lý do khiến chúng tôi biết được nhiều đứa trẻ đang bị tổn thương, nhưng lý do chính vẫn là bạo lực gia đình giữa các cặp vợ chồng”, ông Yamada nhận định. Ông Yamada cũng cho hay nhiều phụ nữ từng là nạn nhân của bạo lực gia đình thường có xu hướng trở nên bạo lực với chính con cái mình.
Bên cạnh đó, việc thiếu sự trợ giúp từ những người thân trong gia đình cũng được cho là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến những vụ bạo hành con cái. Những năm trước, trong một gia đình sẽ có nhiều thế hệ cùng sinh sống, ông bà có kinh nghiệm có thể hỗ trợ cha mẹ trẻ nuôi dạy con cái. Còn trong xã hội hiện đại, các bà mẹ trẻ đang phải một mình vật lộn với việc chăm sóc con cái và khi họ cáu kỉnh tột độ, họ sẽ làm hại chính con mình.
Tuy nhiên, có thể thấy được rằng mối nguy hiểm tiềm tàng nhất đối với những đứa trẻ chính là những áp lực mà những người phụ nữ đã đặt ra cho con họ.
“Phụ nữ Nhật Bản là những người rất nghiêm túc, họ buộc mình trở thành những người cha mẹ hoàn hảo và nghĩ rằng con của mình cũng phải hoàn hảo. Chính vì vậy, họ tự tạo áp lực cho bản thân và so sánh bản thân, hoàn cảnh và con cái mình với những người mẹ khác. Họ thường coi những gia đình đó là hoàn hảo về mọi mặt, điều đó gây ra quá nhiều áp lực cho chính bản thân những người mẹ”, Yamada nói thêm
Bà Makoto Watanabe, Phó Giáo sư Truyền thông tại Đại học Hokkaido Bunkyo (Nhật Bản) cho biết ông đã thấy được những biểu hiện này ở những người bạn và đồng nghiệp của mình.
Bà Watanabe cho rằng những người nội trợ trong gia đình thường sống rất khép kín, điều này có thể gây ra nhiều áp lực nếu trước đây họ đã từng làm việc bên ngoài. Họ cảm thấy mình phải làm việc vất vả trong nhiều thời gian và so sánh mình với những bà mẹ có con khác. Nhiều người đã phải từ bỏ cả sự nghiệp để chăm lo cuộc sống gia đình, và những đứa trẻ trở thành cuộc sống của họ khiến họ ngày càng căng thẳng hơn.
“Ngay cả khi những đứa trẻ có thành tích học tập tốt trên lớp, chơi thể thao và hoạt động ngoại khóa tốt hay bất cứ điều gì, những bà mẹ vẫn so sánh chúng với những đứa trẻ khác. Không giống như những người đàn ông có thể đi làm, họ không có cách nào để giải tỏa những căng thẳng mà mình phải gánh chịu”, cô Watanabe nói.