Các vùng biển ở ngoài khơi Israel - những khu vực nóng nhất ở Địa Trung Hải, đã ấm thêm 3 độ C trong vòng 4 thập kỷ qua, với nhiệt độ nước biển thường ở mức trên 30 độ C vào mùa hè.
Một nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế đã tiến hành điều tra tác động của những vùng biển ấm hơn này đối với loài nhuyễn thể bản địa cũng như sự xuất hiện của các loài từ Biển Đỏ xâm nhập vào vùng này qua kênh đào Suez.
Nhà nghiên cứu Paolo Albano thuộc Khoa Cổ sinh vật học của Đại học Vienna (Áo) cùng với các đồng nghiệp đã tiến hành so sánh dân số loài nhuyễn thể được nhận dạng từ hơn 100 mẫu loài sinh sống ở đáy biển với các ghi chép trong lịch sử. Kết quả cho thấy, chỉ có 12% loài này vẫn sinh sống ở lớp trầm tích nông và chỉ có 5% sinh sống ở đá ngầm. Các nhà nghiên cứu cũng dự báo rằng 60% dân số loài nhuyễn thể còn lại trong nghiên cứu không đạt được quy mô sinh sản.
Theo nhà nghiên cứu Albano, nước biển ấm lên là nguyên nhân chủ yếu khiến số lượng loài nhuyễn thể bản địa giảm mạnh, bên cạnh một số yếu tố khác như tác động của các loài xâm lấn và ô nhiễm. Trong khi đó, dân số các loài nhuyễn thể từ vùng biển nhiệt đới xâm nhập vào Địa Trung Hải qua kênh đào Suez lại đang sinh sôi mạnh. Các nhà khoa học cho rằng, sự thay đổi này bắt đầu thiết lập một hệ sinh thái mới tại Đông Địa Trung Hải trong khi khó có thể điều chỉnh lại sự biến mất ồ ạt của các loài bản địa.
Nhà nghiên cứu Albano cho biết Đông Địa Trung Hải là "một mô hình về những gì đang diễn ra trong hệ sinh thái biển do hiện tượng ấm lên của Trái Đất, khiến các loài phải ứng phó bằng cách thay đổi phạm vi sinh sống và điều này có nghĩa là các loài bản địa ở một số vùng bị xóa sổ".