Bảo đảm an ninh mạng - Bài 4: Mỹ triển khai chiến lược an ninh mạng quốc gia

Chính phủ Mỹ đặc biệt coi trọng vấn đề an ninh mạng và đã triển khai nhiều biện pháp mạnh mẽ nhằm tăng cường an ninh mạng, trong đó có đẩy mạnh phê chuẩn nhiều dự luật bảo vệ an ninh mạng, tạo hành lang pháp lý để tăng cường các hoạt động ngăn chặn tấn công mạng.

Chú thích ảnh
Trang đăng nhập Facebook trên máy tính tại Washington, DC, Mỹ. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Từ tháng 10/2015, Thượng viện Mỹ đã thông qua Luật Chia sẻ thông tin an ninh mạng (CISA) nhằm tạo ra hệ thống phòng thủ vững chắc trên không gian mạng. Dưới thời Tổng thống Donald Trump, Nhà Trắng đã công bố chiến lược an ninh mạng quốc gia mới ngày 20/9/2018, hướng dẫn các cơ quan liên bang tự bảo vệ mình và dữ liệu cá nhân của công dân Mỹ. Vào thời điểm công bố chiến lược này, giới tình báo Mỹ cảnh báo nước Mỹ đang đối mặt với nguy cơ bị tấn công mạng cao, nhất là trong các cuộc bầu cử như  cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tháng 11 năm ngoái. 

Theo Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton, với chiến lược an ninh mạng quốc gia mới, Mỹ sẽ xác định, đối phó, ngăn cản và răn đe các hành vi sử dụng mạng nhằm gây bất ổn và đi ngược lại với lợi ích quốc gia của Washington. Theo chiến lược này, một số quốc gia sử dụng chiến trường mạng “để làm hại công dân Mỹ và đe dọa đến lợi ích của Mỹ”. Chiến lược bao gồm các ưu tiên bảo vệ của chính phủ liên bang cũng như quyết tâm đối phó với các tin tặc nước ngoài.

Cũng trong tháng 9/2018, Lầu Năm Góc đã công bố chiến lược an ninh mạng đầu tiên của cơ quan này dưới thời Tổng thống Donald Trump, cho biết Mỹ đang đối mặt với “một nguy cơ khẩn cấp và không thể chấp nhận được từ các hoạt động mạng độc hại”. Những hoạt động này có thể là  đánh cắp thông tin nhạy cảm từ “cơ sở tư” và Chính phủ Mỹ, hoặc "dùng các chiến dịch truyền thông qua Internet để tác động người dân và thách thức tiến trình dân chủ của Mỹ"... 

Trong bối cảnh những thách thức về an ninh mạng luôn hiện hữu, Lầu Năm Góc tuyên bố sẽ “sẵn sàng phòng thủ” bằng cách nhắm mục tiêu “làm gián đoạn hoặc ngăn chặn hoạt động tấn công mạng ngay tại nguồn của nó, kể cả các hoạt động dưới mức xung đột vũ trang” và nêu rõ quân đội có ý định “xây dựng một lực lượng nguy hiểm hơn nữa… để đáp ứng khả năng tác chiến trong không gian mạng và xử lý tin tặc”, nhưng không đi vào chi tiết hoạt động cụ thể nào.

Theo chiến lược, trong thời chiến, lực lượng không gian mạng Mỹ “sẽ phải sẵn sàng tác chiến với các lực lượng tại các mặt trận không quân, đất liền, biển và không gian” để cùng chống các thế lực thù địch của Mỹ. 

Đây là tài liệu đầu tiên của Bộ Quốc phòng Mỹ liên quan an ninh mạng kể từ năm 2015. Bản chiến lược an ninh mạng này ra đời 2 tháng sau khi Giám đốc Tình báo quốc gia Dan Coast cảnh báo mối lo ngại về khả năng xảy ra một thảm họa “không gian mạng 9/11”.

Tại Diễn đàn An ninh Aspen, ông Dan Coast nhận định, nếu Phố Wall bị tin tặc đánh sập trong 1 tuần, điều đó sẽ ảnh hưởng lớn tới thị trường thế giới cũng như các khoản đầu tư. Quan chức này còn nhấn mạnh rằng nếu mạng lưới điện ở khu vực New England bị tấn công vào tháng 1, việc phục hồi lại trong 3 ngày là rất khó và sẽ dẫn đến thực trạng "nhiều người tử vong". 

Trong khi đó, Bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ (DHS) Kirstjen Nielsen cho biết DHS được thành lập để đấu tranh với chủ nghĩa khủng bố, nhưng sứ mệnh của cơ quan này đang thay đổi, đặc biệt là để ngăn chặn những mối đe dọa trên không gian mạng đang ngày một lớn dần.

Theo bà Nielsen, mối đe dọa này không còn tập trung vào quân đội và chính phủ Mỹ như trước đây nữa, mà hiện đã mở rộng sang các công ty, các trường học, những nơi tập trung đông người và những người Mỹ bình thường. Ngoài các biện pháp trong nước, Mỹ cũng kêu gọi nước hợp tác với Mỹ trong lĩnh vực này.

Như vậy, đến nay, Mỹ đã triển khai đồng bộ và hiệu quả nhiều biện pháp tăng cường an ninh mạng. Chiến lược an ninh mạng mới của Chính quyền Tổng thống Trump sẽ tiếp tục được thực hiện, nhằm bảo mật thông tin trước các nguy cơ mà Mỹ cho rằng sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh quốc gia.

Trong chiến lược này, Lầu Năm Góc và DHS là những nhân tố chủ đạo, quyết định tới các bước triển khai chiến lược. Trong bối cảnh cuộc bầu cử Mỹ năm 2020 đang tới gần, đảng Dân chủ và Cộng hòa đã bắt đầu chuẩn bị cho các cuộc vận động tranh cử, vấn đề an ninh mạng sẽ được Mỹ chú trọng hơn nữa.

Phạm Ngọc Ánh (TTXVN)
Bảo đảm an ninh mạng - Bài 3: Pháp và các bước đi tiên phong
Bảo đảm an ninh mạng - Bài 3: Pháp và các bước đi tiên phong

Pháp là một trong những nước phát triển đi tiên phong xây dựng và áp dụng các biện pháp an ninh mạng quốc gia để ngăn chặn các cuộc tấn công mạng ngày càng dày đặc và tinh vi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN