Với câu hỏi: “Việt Nam chiến thắng cuộc chiến chống virus corona như thế nào?", trang Deutsche Welle của Đức và tuần báo l”Obs của Pháp đều cho rằng thành công của Việt Nam được thể hiện qua 4 biện pháp chính là cách ly tập trung, giám sát ở mọi cấp độ, khẩu hiệu chiến tranh và hưởng ứng quy định.
Theo l”Obs, Việt Nam chọn biện pháp cách ly, từng được tờ Financial Times (Anh) gọi là chiến lược “chi phí thấp”, “nghiêm ngặt”, và “tấn công”. Không chỉ cách ly những người mắc COVID-19 và những người tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, Việt Nam mở rộng tìm tất cả những người tiếp xúc ở vòng hai, vòng ba và vòng bốn để cách ly hoặc hạn chế tiếp xúc. Tất cả những người đến từ vùng có nguy cơ cao trên thế giới đều được cách ly tập trung 14 ngày. Mọi trường học đều đóng cửa, học sinh, sinh viên được nghỉ học ngay từ sau Tết nguyên đán.
Về giám sát, bài viết trên l”Obs nêu rõ các cấp chính quyền Việt Nam đã "đi từng ngõ, gõ từng nhà", trong khi quân đội Việt Nam đã triển khai nhân lực và thiết bị giúp chống COVID-19. Biện pháp giám sát chặt chẽ này ngăn chặn được bất kỳ ai thuộc diện cách ly "lọt lưới". Tuần báo l”Obs dẫn lời bà Anna Moï, nhà văn Pháp gốc Việt đến Việt Nam trước chuyến bay có bệnh nhân 17 vài ngày, cho rằng: “Chính quyền làm việc rất hiệu quả".
Bài báo cũng đề cập việc "những khẩu hiệu thời chiến" trở thành trào lưu được hưởng ứng trong giai đoạn chống dịch COVID-19, theo đó những khẩu hiệu này "tác động mạnh đến tâm trí người dân, tạo cho họ cảm giác tự hào chung sức trong cuộc khủng hoảng". Tuần báo l”Obs lưu ý Bộ Y tế Việt Nam thường xuyên gửi tin nhắn đến các thuê bao di động về những thông liên quan đến diễn biến dịch bệnh và những lời khuyên về vệ sinh. Truyền thông nhà nước cũng được huy động hết vào chiến dịch thông tin tuyên truyền. Giới nghệ sĩ cũng tham gia, thể hiện qua tác phẩm “Ghen Cô Vy”, một dự án hợp tác giữa nhạc sĩ Khắc Hưng, hai ca sĩ Min, Erik và Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường (Bộ Y tế).
Các bài việc còn nhắc tới việc trên mạng xã hội ở Việt Nam vừa xuất hiện một phong trào mới: gieo vần tên của mình theo “tuyên ngôn” để hưởng ứng “ở nhà là yêu nước”, cùng với điều kiện phải chụp ảnh có đeo khẩu trang, như cách để người dân hưởng ứng quy định của chính quyền.
Theo Deutsche Welle, lời kêu gọi quyên góp của Chính phủ Việt Nam được hưởng ứng mạnh mẽ vì rất nhiều người tin vào chính phủ trong thời kỳ khủng hoảng dịch tễ này. Trong khi đó, đài BBC nhấn mạnh người dân Việt Nam đồng tình với các biện pháp của chính phủ cách ly trên diện rộng. Hầu hết người dân đều coi biện pháp này thể hiện sự quyết đoán của chính phủ nhằm cắt đứt và kiểm soát nguồn lây và tự hào vì Việt Nam đang khá thành công trong việc xử lý dịch. Người dân cũng chấp nhận thiệt hại kinh tế lớn đối với Việt Nam, đổi lại có ít ca mắc COVID-19 hơn. BBC cũng dẫn các thông điệp mới nhất từ Đại sứ Anh tại Việt Nam Gareth Ward và Tổng Lãnh sự Anh Ian Gibbons, tới công dân Anh đang sinh sống tại Việt Nam, khẳng định: "Chúng ta rất may mắn khi được sinh sống và làm việc tại đây".
Trang csis.org đăng bài của 2 tác giả Amy Searight và Brian Harding, Giám đốc và Phó giám đốc của Chương trình Đông Nam Á (ĐNA) thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, trụ sở tại Mỹ), trong đó nhận định Việt Nam nổi lên như một hình mẫu toàn cầu trong việc hành động sớm và ngăn chặn tích cực đại dịch COVID-19. Theo bài viết, Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh, song vẫn là nước đang phát triển với nguồn lực hạn chế hơn nhiều so với Singapore, song cũng đã có phản ứng nhanh chóng, mạnh mẽ và cho đến nay có thể nói là thành công khi nhiều người được chữa khỏi và chưa có trường hợp nào tử vong do COVID-19.
Các tác giả bài viết nhấn mạnh việc có đường biên giới và các hoạt động biên mậu nhộn nhịp với Trung Quốc khiến Việt Nam rất dễ bị tổn thương trước sự lây lan của virus. Tuy nhiên, Việt Nam đã áp dụng chiến lược theo dõi và ngăn chặn tích cực, nhanh chóng tạm dừng các chuyến bay từ Trung Quốc và đóng cửa các trường học trên toàn quốc. Việt Nam cũng trở thành quốc gia đầu tiên ngoài Trung Quốc cho cách ly một khu dân cư rộng lớn ở một tỉnh giáp Hà Nội vào giữa tháng 2/2020.
Ngoài ra, bài viết còn đề cập tới việc ban lãnh đạo Việt Nam đã có thông điệp công khai tới người dân, khả năng cách ly các cá nhân có triệu chứng và theo dõi các đối tượng F2 và F3, cách ly các du khách nhập cảnh và huy động sự tham gia của các sinh viên y khoa, các bác sĩ và y tá đã nghỉ hưu, bất chấp việc thiếu năng lực xét nghiệm. Theo bài viết, Chính phủ Việt Nam cũng đã chứng tỏ được sự hiệu quả trong việc ban hành các lệnh đóng cửa doanh nghiệp và cấm các sự kiện tập trung đông người, dựa vào mạng lưới cung cấp thông tin của mình để giúp theo dõi và giám sát công dân cũng như phát hiện các trường hợp nghi nhiễm.