Bangkok lại chao đảo vì bạo lực

Bốn người chết, 64 người bị thương ở trung tâm thủ đô Bangkok của Thái Lan ngày 18/2 sau các cuộc đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình chống chính phủ. Bạo lực xảy ra trong bối cảnh Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra bị khởi tố với tội danh tham nhũng trong chương trình trợ giá gạo cho nông dân.


Một cảnh sát chống bạo động bị thương sau khi xô xát với người biểu tình tại Bangkok ngày 18/2. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo trung tâm cấp cứu, bốn người thiệt mạng gồm một cảnh sát và ba người dân. Trong số những người bị thương có 24 cảnh sát. Hiện vẫn chưa rõ ai là thủ phạm nhưng chính phủ khẳng định cảnh sát chỉ dùng đạn cao su.


“Hòa bình cho Bangkok”


Đụng độ xảy ra khi 25.000 cảnh sát Thái Lan bắt đầu chiến dịch “hòa bình cho Bangkok” nhằm giải tán 5 khu vực biểu tình chính gồm khu vực gần tượng đài Dân chủ, tòa nhà quốc hội, Bộ Năng lượng, Bộ Nội vụ và khu phức hợp chính phủ. Khi phá hàng rào thép gai và chướng ngại vật dựng bằng bao cát, cảnh sát đã vấp phải sự kháng cự mạnh mẽ từ người biểu tình và cuối cùng buộc phải lui khi nhiều loạt đạn vang lên.


Trước đó, tại khu vực biểu tình gần Bộ Năng lượng, sau các nỗ lực thuyết phục bất thành, lực lượng an ninh đã bắt giữ ông Rawee Mashmadol, một thủ lĩnh phong trào biểu tình và 100 người biểu tình khác với cáo buộc vi phạm sắc lệnh tình trạng khẩn cấp. Khu vực này đã được giải tỏa thành công.


Tại khu vực tòa nhà chính phủ, các nhân chứng cho biết họ nghe thấy tiếng súng và tiếng nổ, do cả cảnh sát và người biểu tình “dường như” đều sử dụng vũ khí. Tại hiện trường, thủ lĩnh biểu tình Suthep Thaugsuban dẫn đầu đám đông đứng vây kín cổng số 5 dẫn vào tòa nhà, tuyên bố sẽ chống lại bất kì hành động nào từ phía chính quyền nhằm chiếm lại địa điểm này theo lệnh của Trung tâm Duy trì Hòa bình và Trật tự (CMPO). Giám đốc CMPO Chalerm Yubamrung cho biết, các đội đặc nhiệm đã được đặt trong tình trạng báo động cao, chờ đợi thời điểm thích hợp để bắt giữ ông Thaugsuban và các thủ lĩnh biểu tình khác.


Tuy nhiên, tại điểm biểu tình trên đại lộ Vibhavadi Rangsit, lực lượng chức năng lại không gặp bất kỳ sự chống cự nào. Người biểu tình đồng ý mở đường tại các đại lộ dẫn vào các trụ sở công quyền ở ngoại ô phía bắc Bangkok để tạo điều kiện cho các công chức đi làm.


Đối với các khu vực còn lại, ông Chalerm tuyên bố chiến dịch của cảnh sát sẽ tiếp tục cho đến khi nào giải tán được mọi điểm biểu tình chủ chốt. Binh sĩ cũng đã được triển khai quanh các khu biểu tình để giám sát tình hình chặt chẽ và ngăn chặn bạo lực. Về phần mình, người phát ngôn Ủy ban Cải cách Dân chủ Nhân dân đối lập cho biết sẽ không để cảnh sát chiếm lại tòa nhà quốc hội, Bộ Nội vụ và các thành trì khác.


Thủ tướng Yingluck bị khởi tố


Trong khi chiến dịch giải tán biểu tình đang diễn ra, ngày 18/2, Ủy ban chống tham nhũng quốc gia (NACC) đã khởi tố Thủ tướng tạm quyền Yingluck Shinawatra vì những sai phạm trong chương trình mua lúa gạo của nông dân. NACC cũng đã có lệnh triệu tập bà Yingluck vào ngày 27/2 tới để đối chất về cáo buộc này.


Theo NACC, bà Yingluck đã không quan tâm tới những cảnh báo rằng chính sách thu mua gạo của chính phủ đang dung túng cho tham nhũng và gây thất thoát tiền của. Nếu bị kết tội, bà Yingluck có thể phải rời nhiệm sở.


Thủ tướng Yingluck vẫn chưa bình luận gì về cáo buộc này. Một người phát ngôn đảng Puae Thai cầm quyền cho biết đây có thể là một kế hoạch nhằm lật đổ chính phủ của bà Yingluck vì NACC rõ ràng đang ưu tiên xử lý cáo buộc liên quan đến chương trình thu mua gạo hơn các cáo buộc tham nhũng nhằm vào đảng Dân chủ đối lập.


Bà Yingluck cùng ngày đã bảo vệ cho chương trình thu mua gạo. Bà cho rằng chính các cuộc biểu tình kéo dài đã khiến chính phủ chậm thanh toán tiền gạo cho nông dân. Thủ tướng Yingluck cáo buộc các thủ lĩnh biểu tình lợi dụng tình cảnh của nông dân trồng lúa và kéo họ vào cuộc chơi chính trị của họ nhằm lật đổ chính phủ.


Bên cạnh đó, bà Yingluck cho biết chính phủ tạm quyền đang nỗ lực gom tiền bằng cách bán gạo dự trữ và vay các thể chế tài chính, đồng thời khẳng định các chương trình cam kết trợ giá gạo kể từ khi được thực thi đã mang lại lợi ích cho người nông dân.


Thủ tướng Yingluck là người đứng đầu Ủy ban lúa gạo quốc gia. Năm 2011, chính phủ của bà đã đưa ra chính sách trợ giá thu mua lúa gạo dành cho nông dân.


Thanh Dương

Thái Lan bắt giữ thủ lĩnh và 100 người biểu tình
Thái Lan bắt giữ thủ lĩnh và 100 người biểu tình

Sáng nay, cảnh sát Thái Lan đã bắt giữ ông Rawee Mashmadol, một thủ lĩnh phong trào biểu tình chống chính phủ, và khoảng 100 người biểu tình trong khuôn khổ chiến dịch giành lại quyền kiểm soát các điểm biểu tình ở thủ đô Bangkok.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN