Những diễn biến trái chiềuTừ ngày 20 - 26/10, hai miền Triều Tiên đã phối hợp tổ chức cuộc đoàn tụ trực tiếp lần thứ 20, cũng là cuộc gặp gỡ thứ hai trong 5 năm qua, cho các gia đình bị ly tán sau cuộc Chiến tranh Triều Tiên (1950 - 1953). Trong cuộc đoàn tụ ở khu nghỉ dưỡng Núi Kumgang, hàng trăm người đã lần đầu tiên được gặp gỡ người thân của mình sau gần 70 năm xa cách. Cuộc gặp được tổ chức hai tháng sau khi Hàn Quốc và Triều Tiên ký thỏa thuận mang tính đột phá vào ngày 25/8, "tháo ngòi" cho tình trạng căng thẳng quân sự trên bán đảo Triều Tiên và mở ra triển vọng cải thiện mối quan hệ liên Triều. Việc hai miền phối hợp tiến hành đoàn tụ là một bằng chứng cho thấy thiện chí của hai bên trong việc thực hiện thỏa thuận lịch sử rất được kỳ vọng này.
Cảnh chia tay người thân xúc động và đẫm nước mắt sau các cuộc đoàn tụ tại khu nghỉ dưỡng trên núi Kumgang. Ảnh: AFP/TTXVN |
Tuy nhiên, giữa lúc cuộc đoàn tụ hiếm hoi này đang diễn ra trong niềm vui vỡ òa của những người bị ly tán, căng thẳng lại bị “hâm nóng” ngày 24/10 sau khi Hải quân Hàn Quốc bắn một loạt đạn cảnh cáo nhằm vào một tàu tuần tra của phía Triều Tiên vi phạm Đường ranh giới phía Bắc (NLL). Vụ việc không gây thương vong, nhưng như thường lệ, Triều Tiên đã có phản ứng mạnh mẽ. Ủy ban Thống nhất Hòa bình Triều Tiên - cơ quan chuyên xử lý các vấn đề liên Triều - lập tức ra tuyên bố khẳng định đây là “một hành động gây hấn nguy hiểm, làm đóng băng sự tiến triển rất khó khăn mới đạt được trong quan hệ giữa Hàn Quốc và Triều Tiên”. Ủy ban trên thậm chí cáo buộc Seoul “cố tình làm đảo ngược tình hình”, đồng thời nhấn mạnh hành động này “đã làm chệch hướng hoàn toàn tiến trình thực hiện thỏa thuận Bắc - Nam”.
Vòng luẩn quẩnĐây không phải là lần đầu tiên xảy ra va chạm tại khu vực NLL. Những cuộc đụng độ hải quân gây đổ máu giữa Triều Tiên và Hàn Quốc đã từng xảy ra vào những năm 1999, 2002 và 2009. Năm 2010, Hàn Quốc cáo buộc ngư lôi của Triều Tiên đánh chìm tàu chiến Cheonan cũng ở khu vực NLL làm 46 thủy thủ Hàn Quốc thiệt mạng, tuy nhiên phía Triều Tiên bác bỏ mọi dính líu. Giới chuyên gia lo ngại diễn biến mới nhất hôm 24/10 sẽ một lần nữa làm leo thang căng thẳng và ảnh hưởng tới các nỗ lực hòa giải hai miền.
Đường biên giới ở biển Hoàng Hải hiện nay là do Liên Hợp Quốc dưới sự dẫn dắt của Mỹ vạch ra sau Chiến tranh Triều Tiên. Phía Bình Nhưỡng không chấp nhận đường ranh giới này, mà cho rằng biên giới trên biển của nước này nằm sâu hơn xuống phía Nam. Chính tranh chấp về vị trí của NLL đã gây ra những cuộc đụng độ không đáng có thời gian qua.
Gần 70 năm sau chiến tranh, về lý thuyết, hai miền Triều Tiên vẫn ở trong tình trạng chiến tranh vì chưa ký thỏa thuận hòa bình mà chỉ có một hiệp định đình chiến. Trong phát biểu tại Đại hội đồng LHQ khóa 70 vừa kết thúc hồi tháng 9, Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Su Yong đã đề nghị ký kết một hiệp định hòa bình thay thế cho hiệp định đình chiến trên. Đầu tháng 10, Bình Nhưỡng cũng nhắc lại lời kêu gọi này, cho rằng một hiệp định như vậy sẽ giúp kiểm soát căng thẳng và xây dựng hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên. Đáp lại, Mỹ cho biết sẽ không xem xét lời kêu gọi này cho tới khi Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân. Trong cuộc gặp thượng đỉnh nhân chuyến thăm Mỹ của Tổng thống Hàn Quốc Park Guen-hye, lãnh đạo hai nước Mỹ - Hàn đề xuất đàm phán với Triều Tiên theo mô hình thỏa thuận hạt nhân Iran mà Tehran vừa đạt được với các cường quốc hạt nhân hồi tháng 7/2015. Nhưng đáp lại, Bình Nhưỡng quả quyết là chỉ quan tâm đến hiệp định hòa bình và chỉ muốn đàm phán để đi đến ký kết hiệp định này với Mỹ, cho rằng việc nối lại đàm phán 6 bên hay không cũng không giải quyết được tận gốc vấn đề nếu không có một hiệp ước hòa bình. Tình trạng “ông chẳng bà chuộc” này dường như đang đẩy bàn đàm phán hạt nhân ngày một ra xa, ngay khi hai bên vừa nhen nhóm những tia hy vọng về một cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều.
Nếu cách đây hai tháng, nhiều nhà quan sát không khỏi ngạc nhiên về thái độ đầy thiện chí của hai người "anh em" thù địch vốn gần như bất đồng với nhau về mọi mặt này, thì giờ đây, cũng nhiều người sẽ không bất ngờ nếu căng thẳng leo thang trở lại trên bán đảo này. Tuy nhiên, đặt tất cả diễn biến trên trong bối cảnh rộng hơn, các chuyên gia nhận định tuy vẫn còn đối đầu và căng thẳng nhưng xu hướng chính sẽ là cải thiện quan hệ liên Triều. Thực tế là kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Triều Tiên và Trung Quốc - đồng minh chiến lược lớn nhất của Bình Nhưỡng - trong năm qua đã giảm nhanh chóng, và Bình Nhưỡng đã quay sang "làm lành" với Hàn Quốc, đối tác thương mại không kém phần quan trọng. Trong một cuộc họp với một quan chức cao cấp của Trung Quốc hồi tuần trước, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cho biết Bình Nhưỡng sẽ nỗ lực cải thiện quan hệ với Seoul. Về phần mình, Tổng thống Park Guen-hye lên nắm quyền với chính sách mang tên “Tiến trình xây dựng lòng tin” trên bán đảo Triều Tiên và từng công khai gọi việc tái thống nhất hai miền không chỉ là “điều tốt lành” với Seoul mà với cả Bình Nhưỡng. Bất chấp căng thẳng vừa qua, giới chức Seoul cho biết họ hy vọng cuộc đoàn tụ vừa được tiến hành sẽ giúp quan hệ giữa hai miền Triều Tiên ổn định hơn trước.
Nếu nhìn lại dọc chiều dài quan hệ liên Triều nhiều thập kỷ qua, có thể thấy trong thời gian trước mắt, hai miền khó thoát ra khỏi cái vòng luẩn quẩn của hòa giải - khiêu khích - trả đũa. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rất nhiều nỗ lực lớn của hai chính phủ theo hướng xích lại gần nhau hơn, đặc biệt là việc đạt thỏa thuận lịch sử ngày 25/8, mở ra cánh cửa lớn dẫn tới hòa giải hai miền. Và thời gian sẽ trả lời cho các nỗ lực thúc đẩy hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.