Ba nước Bắc Phi thống nhất lập trường về cuộc khủng hoảng Libya

Bộ trưởng ngoại giao 3 nước Ai Cập, Algeria và Tunisia đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thống nhất quân đội Libya nhằm đạt được sự ổn định tại quốc gia Bắc Phi này, đồng thời khẳng định không chấp thuận mọi hình thức can thiệp từ bên ngoài vào Libya mà theo họ vốn chỉ làm phức tạp thêm tình hình.

Chú thích ảnh
Các lực lượng trung thành với Chính phủ đoàn kết dân tộc Libya (GNA) tuần tra tại Tripoli ngày 25/9/2018. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại Ai Cập, ngày 5/3, Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry cùng hai người đồng cấp Algeria và Tunisia là Abdelkader Messahel và Khemais Jhinaoui đã nhóm họp ở Cairo (Ai Cập) để thảo luận về cuộc khủng hoảng ở Libya.

Đây là cuộc gặp định kỳ của giới chức 3 nước để thảo luận tình hình Libya. Ngoại trưởng 3 nước đã thống nhất ra thông cáo chung nêu rõ thỏa thuận gồm 9 điểm về việc tôn trọng chủ quyền, sự ổn định và an ninh của nước láng giềng Libya; Ai Cập, Algeria, và Tunisia sẽ tiếp tục ủng hộ Libya và người dân nước này nhằm giúp xây dựng các cơ quan nhà nước và góp phần vào sự ổn định của Libya.

Ba quan chức ngoại giao bày tỏ ủng hộ tất cả các giải pháp chính trị có thể đạt được thông qua đối thoại toàn diện cho đến khi các cuộc bầu cử được tổ chức dựa trên thỏa thuận chính trị năm 2015.

Theo Ngoại trưởng Tunisia, cuộc họp ở Cairo tập trung thảo luận những diễn biến chính trị mới nhất ở Libya, trong đó có việc thúc đẩy một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở nước láng giềng này.

Ông Jhinaoui cho rằng nhân dân Libya đang gặp nhiều khó khăn về kinh tế, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tìm kiếm giải pháp nội bộ của chính Libya mà không có sự can thiệp của nước ngoài. Ông Jhinaoui nêu bật nỗ lực dàn xếp, giúp đỡ của Đặc phái viên Liên hợp quốc về Libya Ghassan Salama.

Về phần mình, Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry tuyên bố các nước láng giềng của Libya đang cố gắng thúc đẩy nỗ lực để thống nhất các cơ quan nhà nước của Libya. Ông nhấn mạnh thống nhất quân đội Libya sẽ giúp đảm bảo an ninh và sự ổn định cũng như góp phần bảo vệ tiến trình bầu cử ở Libya.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Algeria nêu bật tầm quan trọng của một cơ chế vững chắc nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng kéo dài ở nước láng giềng để đảm bảo ổn định và an ninh của các nước xung quanh Libya. Ông cho rằng giải quyết cuộc khủng hoảng ở Libya khó khăn do sự can thiệp từ bên ngoài.

Libya hiện vẫn ở trong tình trạng chia rẽ chính trị và bạo lực leo thang suốt nhiều năm qua sau cuộc chính biến năm 2011 lật đổ chính quyền của nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi. Hiện ở quốc gia này đang tồn tại hai chính quyền với các lực lượng vũ trang riêng.

Bất chấp việc ký kết thỏa thuận chính trị do LHQ bảo trợ vào cuối năm 2015, Libya vẫn chưa thể đạt được quá trình chuyển tiếp dân chủ. Chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya (GNA) vẫn chưa thể thành lập lực lượng quân đội, mà vẫn phải dựa vào các nhóm dân quân để bảo vệ thủ đô.

Trương Anh Tuấn (TTXVN)
Vấn đề người di cư: Trên 100 người được giải cứu ngoài khơi Libya
Vấn đề người di cư: Trên 100 người được giải cứu ngoài khơi Libya

Lực lượng bảo vệ bờ biển Libya ngày 22/2 đã cứu sống 113 người di cư trái phép ngoài khơi bờ biển thành phố Khoms, cách thủ đô Tripoli 120km về phía Đông.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN