Bộ trưởng Kinh tế Mexico, Ngoại trưởng Canada và Đại diện Thương mại Mỹ tại cuộc họp báo công bố kết quả vòng 3 tái đàm phán NAFTA ở Ottawa, ngày 27/9. Ảnh: AFP/ TTXVN |
Theo phóng viên TTXVN tại Mexico City, ngay trước vòng đàm phán lần này, các chuyên gia dự đoán Mỹ sẽ yêu cầu tăng tỷ lệ nội địa khu vực đối với ngành công nghiệp ô tô từ 62,5% lên 85%, và trong đó ít nhất là 35% tỷ lệ nội địa Mỹ. Yêu sách này của Mỹ khó có thể được Mexico và Canada chấp thuận.
Phòng Thương mại Mỹ cảnh báo chính quyền của Tổng thống Donald Trump đang thực hiện những “đòi hỏi quá nguy hiểm”, như nâng tỷ lệ nội địa Mỹ đối với ô tô trong khối Bắc Mỹ, chu kỳ 5 năm xem xét lại NAFTA và xóa bỏ Chương 19 về giải quyết tranh chấp bởi phá giá và trợ giá, hạn ngạch. Điều này sẽ dẫn tới sự đổ vỡ của NAFTA. Phó Chủ tịch phụ trách chính sách quốc tế của Phòng thương mại Mỹ John Murphy nhận định các đề xuất trên làm suy yếu và gây tổn hại cho các công ty Mỹ. Trước tình hình trên, các doanh nghiệp Mỹ đã kêu gọi chính phủ bãi bỏ một số đề xuất gây nhiều tranh cãi trong đàm phán, trong đó có việc nâng tỷ lệ nội địa lên mức “cực đoan”.
Trước đó, khi kết thúc vòng 3 về tái đàm phán NAFTA, Bộ trưởng Kinh tế Mexico Ildefonso Guajardo (In-đê-phôn-xô Goa-ha-đô) cho biết còn nhiều thách thức lớn mà các bên phải vượt qua, đồng thời tái khẳng định quyết tâm của Mexico trong việc sửa đổi NAFTA với mục tiêu tăng khả năng cạnh tranh, tạo thêm cơ hội đầu tư và việc làm cho khu vực.
Trong khi đó, trả lời phỏng vấn tạp chí Forbes, Tổng thống Donald Trump tuyên bố sẽ tiếp tục gây sức ép lên bàn đàm phán với các đe dọa rời khỏi NAFTA và nhấn mạnh ý tưởng tiến hành đàm phán thỏa thuận song phương với mỗi nước.
Trước tương lai bất ổn của NAFTA, lĩnh vực tư nhân Mexico đã lần đầu tiên lên kế hoạch về khả năng đổ vỡ của thỏa thuận. Chủ tịch Hội đồng điều phối doanh nghiệp (CCE) Juan Pablo Castañón nhận định “tồn tại khả năng các bên sẽ rời khỏi bàn đàm phán”. Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng quốc gia về Nông nghiệp Mexico (CNA) Bosco de la Vega cho biết cách tốt hơn trong việc cố đàm phán và đi đến một thỏa thuận “xấu” đó là rời khỏi và chịu đựng trong vòng hai năm rưỡi với các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) để chờ đợi một tổng thống Mỹ mới, với một thỏa thuận tốt cho cả 3 bên.
Trong một diễn biến khác, việc Bộ Thương mại Mỹ áp thuế chống bán phá giá sơ bộ lên tới 220% đối với dòng máy bay CSeries của tập đoàn Bombardier (Canada) đang tạo ra những quan ngại sâu sắc cho Canada cũng như Mexico, nhất là về cơ chế giải quyết tranh chấp thương mại quy định trong Chương 19 NAFTA mà Mỹ muốn huỷ bỏ. Động thái mới nhất của Mỹ không chỉ làm gia tăng căng thẳng trong quan hệ thương mại Mỹ - Canada, mà còn đe doạ làm tiêu tan hy vọng vừa mới nhen nhóm trong tiến trình tái đàm phán NAFTA sau khi các bên đạt được một số bước tiến ban đầu liên quan đến vấn đề môi trường, cạnh tranh, tiêu chuẩn lao động, doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau đang tiến hành chuyến công du tới Mỹ từ 10-11/10 và Mexico trong hai ngày 12-13/10 trong bối cảnh xuất hiện những dấu hiệu bất ổn đầu tiên trong các vòng tái đàm phán NAFTA khiến những người ủng hộ quan ngại về triển vọng dài hạn của thỏa thuận này.
Các cuộc tái đàm phán NAFTA được tiến hành theo đề nghị của Tổng thống Mỹ Trump với lý do hiệp định 23 năm tuổi này cướp đi hàng triệu việc làm của người lao động Mỹ và cho phép Canada, Mexico đạt được nhiều lợi thế, trong khi gây tổn hại cho nền kinh tế Mỹ. Tổng thống Trump muốn có được thỏa thuận cuối cùng vào cuối năm nay theo đúng cam kết đề ra khi tranh cử. Mexico cũng muốn nhanh chóng kết thúc đàm phán trước cuộc bầu cử tổng thống vào năm sau. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa bên nào sẵn sàng đưa ra nhượng bộ cần thiết để có thể thực sự tạo đột phá và đẩy nhanh hơn tiến độ đàm phán.
NAFTA là hiệp định thương mại giữa Mexico, Mỹ và Canada, có hiệu lực từ ngày 1/1/1994. Theo thống kê, trao đổi thương mại giữa 3 quốc gia Bắc Mỹ đạt trên 1.300 tỷ USD vào năm 2016.