Ba lý do khiến Trung Quốc và Brazil tìm cách thúc đẩy quan hệ thương mại

Tổng thống Brazil Luiz Inácio Lula da Silva dự kiến đến Trung Quốc vào tuần tới trong chuyến công du đầu tiên kể từ khi đắc cử vào tháng 10 năm ngoái. Theo giới chức, vấn đề thương mại sẽ dẫn đầu chương trình nghị sự trong các cuộc hội đàm giữa hai quốc gia.

Chú thích ảnh
Trung Quốc là điểm đến xuất khẩu hàng đầu của Brazil đối với các mặt hàng đặc trưng của nước này, đáng chú ý nhất là quặng sắt, đậu nành và dầu mỏ. Ảnh: Reuters

Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang nỗ lực mở rộng các đối tác thương mại và kinh tế trong bối cảnh căng thẳng leo thang với Mỹ và triển vọng thương mại toàn cầu ảm đạm. 

Trong khi đó, Brazil, nền kinh tế lớn nhất Nam Mỹ, đang tìm cách gia tăng xuất khẩu dầu mỏ, quặng sắt và nông sản để thúc đẩy lĩnh vực sản xuất của đất nước.

Năm 2009, Trung Quốc đã vượt Mỹ trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Brazil.  Và hiện nay, Brazil là quốc gia nhận đầu tư lớn nhất của Trung Quốc ở Mỹ Latinh, với các khoản đầu tư vào các đường dây truyền tải điện cao thế và khai thác dầu mỏ. 

Tổng thống Lula đã đưa Brazil xích lại gần Trung Quốc hơn. Ông đã tới Bắc Kinh 2 lần trong hai nhiệm kỳ Tổng thống của ông từ năm 2003 đến năm 2010. Chuyến thăm mới nhất sẽ diễn ra sau thời gian quan hệ giữa Trung Quốc và Brazil rạn nứt dưới thời cựu Tổng thống Jair Bolsonaro. Trong chuyến thăm sắp tới đến Trung Quốc, khoảng 240 doanh nhân sẽ tháp tùng Tổng thống Lula.

Mặc dù đầu tư của Trung Quốc vào Brazil đã bị đình trệ, quan hệ thương mại giữa hai nước không bị ảnh hưởng bởi “cơn bão” ngoại giao. Các chuyên gia thương mại cho biết các nhà đầu tư Trung Quốc không cảm thấy được chào đón dưới thời Tổng thống Bolsonaro.

Ông Marcos Caramuru, cựu đại sứ Brazil tại Bắc Kinh, cho hay ban đầu, Brazil được hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump. Tuy nhiên, nguồn đầu tư của Trung Quốc vào Brazil đã mất đà trong một vài năm.

Ông Caramuru cho rằng Bắc Kinh đã giữ mối quan hệ cởi mở với Brasilia, bất kể chính phủ nắm quyền mang màu sắc chính trị thế nào, nhưng Trung Quốc muốn đầu tư khi chính quyền địa phương thân thiện hơn.

Trước chuyến thăm, hôm 23/3, Bắc Kinh tuyên bố sẽ nối lại xuất khẩu thịt bò Brazil, vốn đã bị tạm ngừng vào tháng trước sau khi phát hiện một trường hợp bệnh bò điên.

Ông Zhang Zhiwei, nhà kinh tế trưởng tại Pinpoint Asset Management ở Hong Kong (Trung Quốc), cho biết hai nền kinh tế tương trợ cho nhau khá tốt.

“Brazil là nước xuất khẩu hàng hóa lớn, trong khi xuất khẩu hàng hóa sản xuất của Trung Quốc có tính cạnh tranh cao trên thị trường toàn cầu”, ông nói.

Dưới đây là ba lý do lớn nhất khiến Trung Quốc và Brazil tìm cách tăng cường hợp tác kinh tế và thương mại.

Thương mại hàng hoá

Chú thích ảnh
Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva và Phó Chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn,tại Brasilia, Brazil, ngày 1/1 năm 2023. Ảnh: Reuters

Trung Quốc là điểm đến xuất khẩu hàng đầu của Brazil với các mặt hàng đặc trưng, đáng chú ý nhất là quặng sắt, đậu nành và dầu mỏ.

Theo số liệu do công ty tư vấn kinh doanh quốc tế Dezan Shira & Associates tổng hợp, quặng sắt Brazil vận chuyển đến Trung Quốc đạt giá trị 1,11 tỷ USD vào năm ngoái, đậu tương trị giá 997 triệu USD, dầu thô đạt 972 triệu USD và thịt bò trị giá 329 triệu USD.

Brazil cũng là nước xuất khẩu đậu nành hàng đầu sang Trung Quốc và là nước xuất khẩu quặng sắt lớn thứ 2 sau Australia, theo ước tính của các nhà kinh tế Sarah Tan và Jesse Rogers của Moody’s.

Trong nghiên cứu từ tháng 10/2022, Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế cho biết hoạt động xuất khẩu những mặt hàng này của Brazil sang Trung Quốc đã bắt đầu bùng nổ vào khoảng năm 2000 và đã cho phép “tận dụng các hoạt động kinh doanh” trong lĩnh vực dầu mỏ, quặng sắt và đậu tương.

Điện tử

Trung Quốc là nguồn cung hàng hóa sản xuất chính của Brazil và các nhà xuất khẩu Trung Quốc đang hướng tới dân số 215 triệu dân của đất nước.

Ông Zhang cho biết mặt hàng xuất khẩu chính là điện thoại di động và thép, trong đó xuất khẩu ô tô cũng tăng. PC và linh kiện phần cứng công nghệ của Trung Quốc ngày càng được vận chuyển nhiều tới Brazil.

Ông Guilherme Campos, Giám đốc tư vấn kinh doanh quốc tế của Dezan Shira tại Thâm Quyến, cho biết: “Với sự tăng trưởng của lĩnh vực điện tử tại Trung Quốc, nhiều khả năng nhu cầu về điện thoại cũng như thiết bị bán dẫn sẽ tiếp tục tăng cao, nếu Trung Quốc có nhiều đột phá hơn trong lĩnh vực này”.

Theo dữ liệu của chính phủ Brazil, Trung Quốc đã xuất khẩu khoảng 18,1 tỷ USD hàng điện tử và máy móc điện vào năm ngoái, với 8,8 tỷ USD máy tính, máy móc và linh kiện.

Hợp tác BRICS

Chú thích ảnh
Hội nghị thượng đỉnh BRICS năm 2019 tại Brasilia, Brazil. Ảnh: AFP

Cả Trung Quốc và Brazil đều là thành viên của khối BRICS gồm năm nền kinh tế mới nổi lớn, bao gồm Nga, Ấn Độ và Nam Phi.

Được thành lập vào năm 2006, BRICS cung cấp cho các quốc gia thành viên quyền tiếp cận đặc biệt với thị trường của nhau và đã giúp Brazil thoát khỏi ảnh hưởng của Mỹ trong lĩnh vực thương mại mà không phải đối đầu với Washington, tổ chức tư vấn Carnegie cho biết trong một nghiên cứu năm 2015.

Nghiên cứu cho hay những nỗ lực của Trung Quốc nhằm đảm bảo quan hệ đối tác “trên tất cả các lĩnh vực”, mở rộng mục tiêu của Chủ tịch Tập Cận Bình trong việc củng cố vị thế quốc tế của đất nước và hành động nhiều hơn nữa trong tham vọng thống trị toàn cầu.

Cạnh tranh 

Tuy nhiên, mối quan hệ hợp tác giữa hai nền kinh tế đang phát triển cứ đến rồi lại đi. Brazil đã ngừng xuất khẩu thịt bò sang Trung Quốc vào tháng 2 vì dịch bò điên bùng phát và người tiền nhiệm của Tổng thống Lula, ông Bolsonaro, đã có lập trường chống Trung Quốc ngay từ đầu nhiệm kỳ 4 năm của ông.

Tuy nhiên, về lâu dài, hai quốc gia này có khả năng cạnh tranh gay gắt về doanh thu bán hàng hóa sản xuất, đặc biệt là về giá của các mặt hàng gia dụng phổ biến được bán ở Mỹ Latinh, bao gồm cả thị trường của Brazil.

Ông Evan Ellis, Giáo sư nghiên cứu về Mỹ Latinh tại Viện Nghiên cứu Chiến lược thuộc Đại học Chiến tranh Quân đội Mỹ, nhận định các sản phẩm của Trung Quốc, như giày dép, bán chạy do chi phí sản xuất tương đối cao ở Brazil.

“Khi nhắc đến vấn đề cạnh tranh, có lẽ cạnh tranh lớn nhất giữa hai quốc gia là trong lĩnh vực sản xuất,” ông Ellis nhận định.

Hải Vân/Báo Tin tức (Theo SCMP, Reuters)
Cựu Tổng thống Brazil Dilma Rousseff trở thành Chủ tịch Ngân hàng NDB thuộc BRICS
Cựu Tổng thống Brazil Dilma Rousseff trở thành Chủ tịch Ngân hàng NDB thuộc BRICS

Theo phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ, Ngân hàng phát triển mới (NDB) thuộc Khối các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS - gồm Trung Quốc, Brazil, Nga, Ấn Độ và Nam Phi) ngày 24/3 đã công bố quyết định bổ nhiệm cựu Tổng thống Brazil Dilma Rousseff (2011-2016) làm Chủ tịch mới của tổ chức tài chính này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN